(Moitruong.net.vn) – Ban điều phối Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tỉnh Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh), vừa tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quỹ Đồng tài trợ mô hình thích ứng biến đổi khí hậu (Quỹ CCA) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong năm 2018 sẽ có 1.400 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được hỗ trợ sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.
Chính sách hỗ trợ vốn từ các nguồn vốn trồng ớt chỉ thiên, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải (Trà Vinh)
Quỹ CCA là một trong bốn quỹ đầu tư và cho vay vốn thuộc Dự án AMD, nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Quỹ được thực hiện từ năm 2015-2019, với tổng kinh phí hỗ trợ không hoàn lại 47 tỷ đồng.
Mục tiêu của quỹ nhằm chia sẻ rủi ro, khuyến khích nông dân ứng dụng mô hình sản xuất, dịch vụ hợp lý tạo thu nhập bền vững cho người dân trong điều kiện chịu ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu nói chung, địa bàn Trà Vinh nói riêng. Theo đó, đối tượng tham gia là hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn, các tổ, nhóm cộng đồng, hợp tác xã thuộc 30 xã mục tiêu của dự án.
Được biết, năm 2018, Quỹ CCA triển khai nguồn vốn đầu tư 35 tỷ đồng để hỗ trợ 1.400 hộ và 168 tổ hợp tác. Trong đó, vốn hỗ trợ không không hoàn lại 17,5 tỷ đồng, số tiền còn lại do người hưởng lợi đối ứng.
Các mô hình sản xuất được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đánh giá hiệu quả thời gian qua được Ban Điều phối Dự án AMD Trà Vinh ưu tiên hỗ trợ chủ yếu là trồng rau màu tưới tiết kiệm nước và sản xuất sạch, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, trồng rau trong nhà lưới, trồng rau sạch…; sản xuất lúa theo mô hình SRI (hệ thống thâm canh cải tiến); các mô hình nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh cải tiến…Đối với các mô hình phi nông nghiệp, Dự án AMD ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất tạo nhiều việc làm cho lao động nghèo, cận nghèo ở nông thôn.
AMD Trà Vinh được thực hiện từ 2014 – 2020, trên địa bàn 30 xã thuộc 7 huyện trong tỉnh, với 15.000 hộ nghèo và cận nghèo được hưởng lợi, do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế tài trợ (IFAD). Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án là 521 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn vay của IFAD hơn 233,5 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của IFAD hơn 126,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam gần 79,5 tỷ đồng, số tiền còn lại do người hưởng lợi đối ứng.
Hướng Dương