Trà Vinh: Triều cường và mưa lớn kéo dài khiến nhiều đoạn đê ven Sông Hậu sạt lở, sụt lún

Hạ Vy|25/10/2022 16:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ ngày 07 - 11/10/2022, trên Sông Hậu xuất hiện dòng chảy mạnh kết hợp với mưa lớn kéo dài thường xuyên, qua đó, trên tuyến đê bao ven Sông Hậu tiếp tục xảy ra sụt lún, sạt lở nghiêm trọng với 07 đoạn, tổng chiều dài 740m

tra-vinh.jpg
Triều cường liên tục và mưa lớn kéo dài khiến 7 đoạn đê bao Sông Hậu sạt lở, gây ngập úng hàng chục nghìn mét vuông vườn cây ăn trái của nhiều hộ dân. 

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nửa tháng nay trên Sông Hậu xuất hiện dòng chảy mạnh kết hợp với mưa lớn kéo dài thường xuyên, khiến cho tuyến đê bao ven Sông Hậu thuộc địa phận ấp An Trại, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè ( Trà Vinh) sụt lún, sạt lở nghiêm trọng ở 07 đoạn với tổng chiều dài 740m . Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tốc độ, phấn đấu hoàn thành trước con nước triều cường tháng 10 âm lịch.

Ghi nhận về công tác khắc phục, gia cố các đoạn đê vỡ, sạt lở trên địa bàn xã Ninh Thới, đến ngày 20/10 đã hoàn thành. Ông Nguyễn Hoàng Anh, trú tại ấp Xẻo Cạn, xã Ninh Thới cho biết: phía trước nhà ông có 1 đoạn đê ven Sông Hậu bị vỡ vào rạng sáng ngày 10/10 (dài khoảng 04m), đến ngày 13/10 công tác gia cố và xử lý đoạn vỡ trên đã được hoàn tất.

Triều cường kết hợp với mưa lớn kéo dài đã khiến đoạn đê nằm giáp với Sông Hậu dài hơn 70m ở ấp Bà Bảy, xã Ninh Thới sạt lở, nước vượt bờ bao tràn vào khu đất của mấy hộ gia đình trong khu vực, gây nên cảnh ngập úng vườn cây ăn trái và nhà ở.

Ông Nguyễn Văn Tạo, chủ một hộ gia đình chịu ảnh hưởng của triều cường, ngập úng cho biết: đoạn đê phía trước nhà có nhiệm vụ ngăn triều cường nằm giáp với Sông Hậu (dài hơn 70m) bảo vệ cho gần 3.000m2 vườn cây ăn trái, được gia đình tự gia cố hàng năm. Tuy nhiên, năm nay triều cường vượt qua bờ bao, làm ngập toàn bộ vườn cây của gia đình. Nhằm chủ động ứng phó triều cường trong tháng 10 âm lịch, lãnh đạo UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác khắc phục, gia cố, đẩy nhanh tiến độ thi công để phòng, chống triều cường trong thời gian tới. Đến nay đoạn đê bị sạt lở ở ấp Bà Bảy đã được gia cố xong. Không những thế, khu vực này cũng đang được địa phương triển khai thi công tuyến đê ven Sông Hậu, khi hoàn thành tuyến đê này, ngoài tác dụng ngăn triều cường còn là tuyến đường giao thông để nhân dân thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa.

Theo ông Phạm Văn Kha, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch diễn biến rất phức tạp, sạt lở không chỉ xảy ra trong mùa mưa, bão mà còn xuất hiện ngay cả trong mùa khô. Sạt lở nguy hiểm nhất là trên các tuyến đê bao ven Sông Hậu, sông Tân Dinh, Bông Bót đã xảy ra cục bộ ở rất nhiều đoạn. Từ ngày 07 - 11/10/2022, trên Sông Hậu xuất hiện dòng chảy mạnh kết hợp với mưa lớn kéo dài thường xuyên, qua đó, trên tuyến đê bao ven Sông Hậu tiếp tục xảy ra sụt lún, sạt lở nghiêm trọng với 07 đoạn, tổng chiều dài 740m (riêng đợt triều cường tháng 9/2022, sạt lở 04 đoạn, dài 278m). Tình hình sạt lở ăn sâu vào chân đê từ 02 - 06m (do khu vực có nền đất yếu, phía ngoài sông không có đai rừng bảo vệ, nên tốc độ sạt lở rất nhanh và nguy hiểm), sạt lở đã và đang làm mất an toàn cho tuyến đê bao.

Sau khi đi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng đề nghị các ngành có liên quan của huyện kết hợp với địa phương và đơn vị thi công trước mắt cần huy động phương tiện cơ giới, lực lượng tại chỗ kết hợp với người dân khắc phục đoạn đê bao bị vỡ cũng như những khu vực lân cận có nguy cơ sạt lở để tránh làm sạt lở trên diện rộng, khẩn trương huy động các lực lượng, phương tiện tranh thủ thời gian nước rút để khắc phục ngay đoạn đê bao bị vỡ. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị từng thành viên trong Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai của huyện, xã phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm và phải bám sát địa bàn để hỗ trợ khi có tình huống xấu xảy ra, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Được biết, ngoài triển khai thi công các điểm sạt lở đê bao lớn từ nguồn ngân sách huyện, tỉnh, vừa qua, các địa phương trên địa bàn huyện Cầu Kè còn huy động lực lượng, phương tiện (04 tại chỗ) đã tiến hành gia cố hoàn thành xong 08 đoạn đê bị vỡ, dài 100m; 09 đoạn sạt lở, dài 392m và 02 đoạn đê bị ngập tràn, dài 950m trên địa bàn các xã Ninh Thới, Hòa Tân, Tam Ngãi, Thông Hòa.

Ông Nguyễn Thanh Sang, chủ đơn vị thi công tuyến đê ở ấp An Trại, xã An Phú Tân cho biết việc thi công trong thời gian này gặp rất nhiều khó khăn do triều cường dâng cao liên tục nên quá trình thi công phải đẩy nhanh tiến độ, tranh thủ từng giờ để chạy đua với thời tiết.

Vừa qua, khu vực này sạt lở 01 đoạn đê, dài 105m, nằm cặp ven Sông Hậu. Hiện công trình đang trong giai đoạn gia cố cừ tràm và khoảng 10 ngày tới (cuối tháng 10/2022) phấn đấu hoàn thành phần gia cố bờ kè, trải vải địa và đổ đất. Việc thi công trong thời gian này rất khó khăn, do triều cường dâng cao liên tục, nên quá trình thi công phải đẩy nhanh tiến độ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Trà Vinh: Triều cường và mưa lớn kéo dài khiến nhiều đoạn đê ven Sông Hậu sạt lở, sụt lún
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.