Trái cây Việt từng bước thâm nhập thị trường quốc tế

Thu Hà (T/h)|21/08/2018 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Nỗ lực chinh phục thị trường khó tính

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật để trái cây vào được các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc… Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến tháng 4/2018, trái cây xuất khẩu đã đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), năm 2017, trái cây xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Dự báo năm 2018 sẽ đạt giá trị kim ngạch từ 4,3 – 4,5 tỷ USD.

Ảnh minh họa. Nguồn Inetrnet

Sự tăng trưởng xuất khẩu trái cây cho thấy chất lượng sản phẩm rất cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc. Song song đó là tính hiệu quả về xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam cũng như sự kết nối, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu và với chuỗi tiêu thụ của các nước.

Giữ vững thị trường nội địa

Thành tích xuất khẩu trong thời gian qua đã suýt khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam bỏ quên thị trường trong nước, mặc dù đa số sản lượng trái cây sản xuất được hiện vẫn cung cấp nội địa là chủ yếu.

Không những vậy, thị trường Việt Nam hiện đang là điểm nhắm đến của các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, có sản phẩm trái cây.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2018, ngành trái cây đã nhập khẩu gần 340 triệu USD, chiếm 35,4% so với lượng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường khác.

Với những con số được chứng minh từ thực tế sản xuất, chi phí cho nhập khẩu trái cây từ các nước, cộng với chi phí sản xuất trong nước để xuất khẩu, phục vụ cho nhu cầu thế giới, thì lượng kim ngạch mang về cho nước nhà trong 3 tháng qua còn không được bao nhiêu.

Ảnh minh họa. Nguồn Inetrnet

Mặc dù thị trường trong nước không mang về được nguồn ngoại hối lớn nhưng đây là nơi đảm bảo cho ngành sản xuất trái cây phát triển ổn định, bền vững. Người tiêu dùng trong nước sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm của nước nhà nếu người sản xuất tôn trọng họ như tôn trọng những người tiêu dùng quốc tế.

Chất lượng phải hướng tới người tiêu dùng

Với việc thay đổi cách sản xuất hiện nay, chuyển hướng sản xuất sạch là điều phải làm để lấy lại lòng tin người tiêu dùng; từ đó mới tăng khả năng cạnh tranh với trái cây nhập khẩu.

Cụ thể, khi người tiêu dùng được quan tâm đến sức khỏe, thì chính họ sẽ giúp người sản xuất trong nước cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu khác. Không riêng ngành rau củ quả, các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế đều vì nhu cầu của người tiêu dùng mới phát triển lâu dài.

Câu chuyện doanh nghiệp hoặc người sản xuất hướng đến sản xuất sạch vốn là câu chuyện dài hơi, mà ngành trái cây đang mang nhiều triển vọng về xuất khẩu. Vì vậy, nâng cao xuất khẩu đi đôi với nguồn hàng nhập khẩu giảm đi, giúp tăng khả năng giữ vững thị trường trong nước mới là yếu tố quyết định của ngành.

Thu Hà (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Trái cây Việt từng bước thâm nhập thị trường quốc tế
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.