(Moitruong.net.vn) – Trước những thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội dẫn đến “trào lưu anti vắc xin” (không tiêm vắc xin hoặc để con được ốm), Bộ Y tế đã lên tiếng khẳng định đây là một trào lưu nguy hiểm.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khẳng định, y tế thế giới coi vắc xin là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỷ 20. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, việc thanh toán bệnh Bại liệt đã giúp Chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí vắc xin, điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp. Một nghiên cứu đã ước tính là 100 triệu USD đầu tư cho việc thanh toán bệnh tật trong vòng 10 năm sau 1967 đã tiết kiệm được cho thế giới khoảng 1,35 tỷ USD/năm.
Tại Việt Nam, thành công của công tác Tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em, cụ thể: Việt Nam đã thanh toán Bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ Uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2010 với năm 1984 thấy: Bệnh Bạch hầu giảm 585 lần, Ho gà giảm 937 lần, Uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, Sởi giảm 573 lần. Việt Nam là quốc gia đã đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.
Kết quả giám sát các bệnh trong Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cũng cho thấy: tỷ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vắc xin phòng trong chương trình TCMR và đều duy trì chiều hướng giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai TCMR trên toàn quốc) với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần.
Năm 1984 cả nước có 1.223 ca mắc Bại liệt, từ năm 1998 cả nước không ghi nhận ca Bại liệt. Từ 2000 đến nay không ghi nhận ca Bại liệt hoang dại trên phạm vi toàn quốc.
Bệnh Bạch hầu cũng ghi nhận số trường hợp mắc giảm đáng kể với 363 lần, năm 1984 cả nước có 2.177 ca mắc, năm 2010 cả nước chỉ ghi nhận 06 ca mắc. Đối với bệnh Ho gà, năm 1984 cả nước có 28.953 ca mắc, năm 2010 số mắc giảm xuống còn 81 ca, số mắc giảm 357 lần.
Tỷ lệ giảm số mắc bệnh Uốn ván sơ sinh là 70 lần cụ thể năm 1991 cả nước có 334 ca Uốn ván sơ sinh, tuy nhiên đến năm 2010 cả nước chỉ có 35 ca mắc. Bệnh Sởi đã giảm số mắc 23 lần, năm 1984 cả nước có 65.148 ca mắc Sởi, năm 2010 có 2.809 ca.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn, cụ thể: nguy cơ vi rút Bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành Bại liệt vào Việt Nam là rất lớn, Uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh có vắc xin phòng được triển khai trong TCMR và Uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%). Do vậy việc tiêm chủng phòng bệnh là hết sức quan trọng trong việc duy trì các thành quả mà Việt Nam đã đạt được, không để nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại một cộng đồng nhỏ sẽ trở thành một sự kiện y tế công cộng của Việt Nam. Điều đáng nói là nếu như không duy trì tỷ lệ tiêm chủng chắc chắn là dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng sẽ gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. Hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ cho từng cá thể và cho cộng đồng.
Tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo 3 yêu cầu cơ bản bao gồm: nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, nâng cao chất lượng tiêm chủng và bảo đảm an toàn tiêm chủng, tất cả các vắc xin đều phải đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực cũng như phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc: không có một loại vắc xin nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vác xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.
Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h, tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với văc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin.
Việc kết luận các nguyên nhân của trường hợp đáng tiếc sau khi tiêm vắc xin cần sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, công tâm từ phía các bác sĩ, chuyên gia, không thể đưa ra những suy luận cảm tính, để từ đó gây ra những hoang mang hoặc hiểu lầm không cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sự miễn dịch chung của cả cộng đồng.
Theo Cục Y tế dự phòng