Triều cường tiếp tục dâng cao gây ngập lụt cục bộ tại TP Hạ Long

Hoàng Thơ |20/11/2024 14:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng ngày 20/11, triều cường tiếp tục dâng cao ở TP Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều chỗ sâu gần 1m khiến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Cụ thể, vào 5 giờ 30 phút ngày 20/11, triều cường đạt đỉnh, nước biển dâng cao tràn qua bờ kè theo đường cống thoát nước gây ngập sâu ở một số tuyến phố.

2283038_z6050438258909_4ba7979e540bba7da549df3ce0668c5e_09581520.jpg
Tại khu vực tổ 6, khu 1, phường Bạch Đằng nước mặn ngập sâu khoảng 40cm, tràn vào nhà dân dễ gây hư hỏng đồ đạc

Tại ngã 4 tuyến đường Trần Thái Tông - Cửa Lục - Nguyễn Thái Học (Tổ 5, khu 9, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long) nước biển gây ngập sâu, nhiều chỗ sâu gần 1m khiến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn. Nhiều xe máy, ô tô đi đến đoạn đường này phải quay đầu. Hệ thống nhà hàng, quán ăn, sân thể thao... cũng bị nước biển xâm nhập gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quảng Ninh, ngày 20/11, triều cường đạt đỉnh ở 4m3. Đến 9 giờ 30 phút, mực nước biển vẫn còn rất cao, nước chưa rút. Theo người dân sống ở khu vực, nơi đây thường xuyên bị ngập khi có triều cường. Những tháng cuối năm là thời điểm triều cường đạt đỉnh, mỗi tháng khoảng 3 - 4 lần.

trieu-cuong(1).jpg
Nhiều chỗ sâu gần 1m khiến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn

Trước đó, vào ngày 19/11, thủy triều đạt đỉnh ở 4,2m. Thủy triều khiến mực nước biển dâng cao, tràn vào một số vùng ven biển của tỉnh Quảng Ninh như thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên... gây tắc đường cục bộ; nhiều nhà dân, nhà hàng, cửa hàng ven biển bị nước biển tràn vào...

Theo Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh, có một số nguyên nhân chính dẫn đến việc triều cường dâng cao gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực ven biển trên địa bàn TP Hạ Long những năm gần đây. Về nguyên nhân khách quan, theo đặc trưng của chế độ hải văn khu vực phía Bắc Việt Nam, trong đó có Quảng Ninh, nước triều sẽ cao hơn vào những tháng cuối năm, từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm.

Cùng với đó, tình hình diễn biến của biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng nước biển dâng đã xuất hiện ngày càng rõ nét. Theo số liệu thống kê, mực nước biển dâng trung bình trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay và dự báo đến năm 2030 đã cao hơn trung bình giai đoạn năm 2000 - 2020.

2283016_z6050396911809_25566666260bd32feaddbd68052e54ae_09503920.jpg
Ngày 20/11, triều cường dâng cao nhất khoảng 4,3m

Về nguyên nhân chủ quan, các khu đô thị ven biển bắt đầu được hình thành từ những năm 1990, 2000 trên nền địa chất tương đối yếu và phức tạp với nhiều bùn, cát, bãi bồi. Thời điểm đó, tuy chủ đầu tư đã có tính toán đắp cốt nền, nhưng qua thời gian, không tránh khỏi hiện tượng lún nền. Tại thời điểm đó cũng chưa thể tính toán được sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Do đó, thành phố Hạ Long cần chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện dự án thi công chống ngập lụt cho khu dân cư để đảm môi trường và đời sống, sinh hoạt cho người dân tại đây.

Triều cường cao sẽ gây ngập tại những vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, vỡ đê và xâm nhập mặn, nhất là trong trường hợp kết hợp với nước dâng và sóng lớn do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực.

Các tình huống thời tiết thiên tai bất thường như: triều cường, ngập mặn, sạt lở đất... không chỉ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, mà còn làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch và khả năng để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Đặc biệt, khi môi trường ẩm thấp kéo dài và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguồn lây bệnh rất lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Triều cường tiếp tục dâng cao gây ngập lụt cục bộ tại TP Hạ Long
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.