(Moitruong.net.vn) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa công bố Đề án “Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, từ nay tới năm 2030 sẽ không xây mới các nhà máy đường chỉ mà chỉ mở rộng quy mô sản xuất.
Ảnh minh họa
Theo Đề án, 300 ngàn ha trổng mía đường được quy hoạch trong đề án mới, vùng duyên hải Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải Bắc Trung bộ sẽ là 4 vùng nguyên liệu mía chính của cả nước.
Trong đó, riêng Tây Nguyên chiếm tới 64,7 ngàn ha, với năng suất mía bình quân từ 60 – 70 tấn/ha, trữ đường bình quân đạt 11 – 12 CCS.
Với sản lượng đường hướng tới 2 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 1,3 triệu tấn, 0,7 triệu tấn đường trắng và đường khác, Bộ NN&PTNT khẳng định: Từ giờ tới năm 2030 sẽ không xây dựng thêm bất cứ nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.
Tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 174 ngàn tấn mía/ngày, phân theo từng vùng, trong đó, vùng Tây Nguyên dẫn đầu với 38,4 ngàn tấn mía/ngày, vùng duyên hải Nam Trung bộ 37,8 nghìn tấn mía/ngày, vùng duyên hải Bắc Trung bộ 35 nghìn tấn mía/ngày, vùng đồng bằng sông Cửu Long là 31,5 nghìn tấn mía/ngày.
Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ tập trung đổi mới thiết bị công nghệ để thay đổi cơ cấu sản phẩm. Tăng tỷ lệ sản phẩm đường trắng, đường tinh luyện, nâng cao công suất ép và hiệu suất thu hồi.
Bộ này yêu cầu tới năm 2020, có ít nhất trên 70% nhà máy có công suất trên 4000 tấn mía/ngày, rút ngắn thời gian ép bình quân còn 110 – 115 ngày/vụ.
Theo Thanhtra