Cụ thể, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn tập trung che chắn gió, có chất độn chuồng sạch, không trơn trượt, ẩm mốc. Những hộ chăn nuôi trâu, bò số lượng lớn thả trên rừng, trong khu lòng hồ thủy điện phải làm lán tạm ở những nơi ít gió lùa, tuyệt đối không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C; đồng thời chuẩn bị thức ăn dự trữ cho gia súc khi có rét đậm, rét hại kéo dài. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.
Ảnh minh họa
Những hộ chăn nuôi với số lượng lớn thả trên rừng, trong khu lòng hồ thủy điện Tuyên Quang không đưa trâu, bò về nhà thì phải làm lán tạm ở những nơi ít gió lùa để đưa trâu, bò về trong mùa đông; tuyệt đối không thả rông gia súc trong những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống thấp dưới 12oC.
Về chăm sóc, nuôi dưỡng, khẩu phần ăn của trâu, bò trưởng thành bình quân 20-30 kg thức ăn thô/con/ngày, 0,5-1kg cám các loại, cho uống nước sạch pha với muối (20-30g muối/con/ngày). Chăm sóc tốt cho số trâu, bò già yếu và bê, nghé non mới sinh.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện bệnh sớm, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh tại địa bàn. Đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát kết quả tiêm phòng gia súc, tổ chức tiêm phòng bổ sung bảo đảm 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng bắt buộc được tiêm phòng các loại vaccine theo quy định; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm đúng theo quy định. Có thể thực hiện các biện pháp chống rét cho trâu, bò bằng cách dùng chăn, bao tải khoác cho trâu, bò, hoặc có thể dùng bóng điện, đốt than củi, trấu để sưởi ấm cho trâu, bò đặc biệt là bê, nghé.
Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe đàn trâu, bò, trường hợp có trâu, bò chết, chủ hộ chăn nuôi có trách nhiệm báo cho cán bộ chăn nuôi và thú y xã xác minh đồng thời có báo cho thôn, xã lập biên bản báo cáo UBND huyện theo quy định.
Để có đủ thức ăn cho trâu, bò người chăn nuôi trồng chăm sóc diện tích thức ăn thô xanh như cây ngô, cỏ voi, cỏ ghinê, cỏ VA06; tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, rạ, thân cây ngô, lá mía để chế biến, dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô đánh thành cây để sử dụng cho đàn trâu, bò ăn trong vụ đông.
Minh Anh (t/h)