Tuyên Quang tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Mai Anh|10/06/2022 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 08/6, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 2078/UBND-KT về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND huyện thành phố theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1845/UBND-KT ngày 26/5/2022; Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 28/5/2022; Quyết định số 604/QĐ-UBND ngày 28/5/2022. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó xác định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của toàn xã hội; nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân; đa dạng hình thức truyền thông phù hợp từng đối tượng; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng.

Cùng với đó, đẩy mạnh phòng ngừa thiên tai, sự cố; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án đã xây dựng trước mùa mưa lũ; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo phương án đã được phê duyệt.

Phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) diễn tập thực binh cứu vớt người bị nạn và tài sản

UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thành phố tổ chức kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai; kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương, nhất là cơ quan trực tiếp tham mưu giúp việc cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở.

Quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất ven sông, suối gây cản trở thoát lũ, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có trách nhiệm tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, rà soát, hoàn thiện phương án, kế hoạch, chuẩn bị thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, cứu trợ nhân dân, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố. Thực hiện có hiệu quả công tác huấn luyện, đào tạo, diễn tập ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã năm 2022.

Công an tỉnh rà soát phương án bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là trong tình huống thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ sơ tán, cứu trợ nhân dân, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố. Nâng cao năng lực cho lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, khu dân cư do tác động của thiên tai.

Sở Giao thông Vận tải: Chỉ đạo kiểm tra, kịp thời khắc phục cầu xung yếu, đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao, không bảo đảm an toàn trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện. Rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông trong tình huống mưa lớn, lũ lụt kéo dài; khắc phục sự cố trên các tuyến giao thông chính sau thiên tai.

Đài Khí tượng, Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để dự báo, thông báo kịp thời thông tin về thời tiết, mưa lũ để các địa phương biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống có hiệu quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối tài sản và tính mạng của người dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo, hướng dẫn UBND huyện, thành phố chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để chủ động thích ứng, giảm thiệt hại do thiên tai, gắn xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai với xây dựng nông thôn mới bền vững. Kiểm tra khắc phục sự cố đê điều, công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; chỉ đạo xây dựng, triển khai phương án bảo vệ các công trình trong mùa mưa lũ.

Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, UBND huyện, thành phố trong việc triển khai, thực hiện nghiêm các nội dung tại văn bản này, Kế hoạch số 96/KH-UBND; Quyết định số 604/QĐ-UBND.

Mai Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tuyên Quang tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn