Tuyên Quang: Thoát nghèo nhờ tập trung phát triển nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã

Việt Quang|31/05/2021 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, trong giai đoạn phát triển đến năm 2025, Tuyên Quang sẽ gắn chặt phát triển nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã để tận dụng điều kiện tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Một trong những lợi thế rõ nét mà mô hình HTX kiểu mới mang lại, là khả năng đưa các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất một cách nhanh chóng, đồng bộ. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa các hộ, nhóm sản xuất nhằm cùng nhau xác định các sản phẩm chủ lực, chia sẻ thông tin về thị trường… cũng được thiết lập và phát huy hiệu quả, giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.

Tại Tuyên Quang, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp tốt là 1.693 ha, gấp 3,7 lần diện tích năm 2015. Trong đó: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 906,2 ha; chuyển đổi hữu cơ là 57 ha và sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (SAN) là 730 ha chè. Toàn tỉnh có 830 trang trại, tăng 472 trang trại so với năm 2015; và 267 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 98 hợp tác xã so với năm 2015. Trong số này, 10 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và 3 trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn GlobalCAR.

HTX chè Shan Tuyết ở Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang) đầu tư công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm

Trong thời gian qua, một số sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh được nhiều tổ chức và người tiêu dùng đánh giá cao. Chẳng hạn: Cam Hàm Yên là một trong 50 trái cây ngon nhất theo bình chọn của VTV. Chè Shan tuyết hữu cơ Hồng thái, chè đặc sản Vĩnh tân, cá lăng được vinh danh trong “Thương hiệu vàng nông nghiệp việt nam”. Chè Bát tiên, mật ong Tuyên quang là một trong số “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”…

Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành đề án ‘Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông lâm nghiệp thuỷ sản hàng hoá, tập trung vào các sản phẩm chất lượng, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Mục tiêu của đề án, là đến năm 2025, giá trị nông sản hàng hoá theo tiêu chuẩn công nghiệp tốt chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản phẩm và có trên 500 ha cây trồng chủ lực được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Để khắc phục, Sở NN-PTNT Tuyên Quang kêu gọi, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh, nhất là các dự án có quy mô lớn, khách sạn, khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền với sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Sở đã lên kế hoạch xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phục tráng một số loại giống tốt của địa phương. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, quy mô sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, Sở NN-PTNT Tuyên Quang tin thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác sẽ tăng trong vài năm tới.

Tuyên Quang cũng đặt mục tiêu thâm canh phát triển ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp; phát triển một số cây trồng có lợi thế. Tỉnh sẽ cơ cấu lại diện tích cây mía gắn với tái cơ cấu ngành mía đường Tuyên Quang, đồng thời khuyến khích liên kết tích tụ đất đai, tạo quỹ đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm nông sản tốt…. Đây chính là việc làm thiết thực để thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đạt mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất cho người nông dân, thực hiện khâu đột phá trong phát triển nông, lâm nghiệp hàng hoá hiệu quả, bền vững…

Việt Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tuyên Quang: Thoát nghèo nhờ tập trung phát triển nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.