Ủy hội sông Mekong báo động về mực nước Biển Hồ Campuchia xuống rất thấp

Ngọc Linh|06/08/2020 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ủy hội sông Mekong cho biết , dòng chảy vào sông Mekong và lượng mưa thấp từ các khu vực thượng lưu con sông đã khiến Biển Hồ trong “tình trạng vô cùng nguy kịch.

Hãng thông tấn Campuchia AKP ngày 4/8 dẫn báo cáo tuần của Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết dòng chảy ngược hằng năm từ dòng Tonle Sap vẫn chậm khiến mực nước trên Biển Hồ Tonle Sap xuống rất thấp.

Theo báo cáo của MRC đánh giá dòng chảy vào sông Mekong và lượng mưa thấp từ các khu vực thượng lưu con sông đã khiến Biển Hồ trong “tình trạng vô cùng nguy kịch.”

Hàng năm, nước từ sông Mekong thường đổ về Biển Hồ (Campuchia), vốn là hồ điều tiết nước tự nhiên lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Song dòng chảy này tiếp tục đổ về muộn trong năm nay, đe đoạ cuộc sống của những người đánh bắt thủy sản.

MRC nêu rõ: “Hơn một nửa lượng nước dòng chảy hằng năm vào hồ được bắt nguồn từ dòng chính sông Mekong. Vì lý do đó, sự thay đổi dòng chảy trên nhánh chính của sông sẽ gây tác động trực tiếp đến mực nước Biển Hồ và các điều kiện thủy văn.”

Dòng nước từ sông Mekong thường đổ về Biển Hồ trong 120 ngày, làm mực nước dâng lên gấp 6 lần bình thường. Cuối tháng 9 là thời điểm dòng nước quay về sông Mekong, kết thúc mùa đánh bắt quan trọng trong năm.

Biển hồ Campuchia là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý lũ lụt và khô hạn MRC tại Phnom Penh cho biết mực nước trên sông Mekong thuộc các tỉnh Stung Treng, Kratie, Kampong Cham và khu vực phà Neak Luong đã tăng trong tuần qua nhưng vẫn thấp hơn dưới mức tối thiểu trong giai đoạn năm 1960-2019.

Mực nước đo được tại khu vực bốn mặt sông Bassac và Koh Khel cũng như sông Tonle ở cảng Phnom Penh và cầu Prekdam đã tăng lên nhưng vẫn dưới mức tối thiểu được ghi nhận trong vòng 60 năm qua.

Phó tổng thư ký Ủy ban Mekong Quốc gia của Campuchia, ông Long Saravuth, cho biết dòng chảy có thể xuất hiện vào tháng 8 năm nay. Uỷ hội sông Mekong (MRC) cũng khẳng định dòng chảy sẽ luôn đến muộn từ năm nay.

MRC cho rằng lượng mưa ít cùng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong đã gây ra tình trạng này. Trong khi đó, Lào và Trung Quốc tuyên bố các đập nước mang lại lợi ích kinh tế quan trọng, giúp điều tiết dòng chảy, ngăn lũ lụt và hạn hán.

Báo cáo cũng lưu ý rằng hiện tượng El Nino kéo dài, thường gây tình trạng nắng nóng cực điểm và thiếu mưa trong khu vực, là “nguyên nhân của tình trạng mực nước thấp trên dòng chính sông Mekong” trong tháng Sáu và tháng 7/2020.

Bên cạnh đó, việc tích nước của các con đập thuộc phụ lưu sông cũng được xem là nguyên nhân gây tình trạng mực nước thấp trên dòng Mekong từ giữa tháng Một đến tháng 7/2020. Tuy nhiên báo cáo nêu rõ MRC không có các dữ liệu chính thức để định lượng.

Trong vòng 5 ngày tới, mực nước sông Mekong được dự báo tăng từ 6 đến 45cm trên dòng chảy từ tỉnh Stung Treng đến phà Neak Loung ở gần thủ đô Phnom Penh.

Mực nước trên dòng Tonle Sap được dự báo tăng từ 5-35cm trong khi dòng Bassac tăng khoảng 30cm trong cùng thời gian này.

Ngọc Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ủy hội sông Mekong báo động về mực nước Biển Hồ Campuchia xuống rất thấp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.