Vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số

PV|13/09/2023 22:16
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo.

Ngày 13/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”.

Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay; đồng thời thảo luận và tìm giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí, đặc biệt trong môi trường số.

Hội thảo cũng nhằm nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong kỷ nguyên số cho các tòa soạn, các nhà báo; đồng thời đóng góp vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền.

hoi-thao.jpg
Quang cảnh hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”.

Theo ông Trần Trọng Dũng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho báo chí, truyền thông, thời đại của kết nối internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đối với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số.

Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung báo chí, tạo động lực cho các nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào các dự án phát triển nội dung, các dự án đổi mới sáng tạo báo chí.

"Bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo. Đồng thời thúc đẩy một nền báo chí với "hàng thật" và "hàng chất lượng cao". Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay", ông Dũng khẳng định.

ong-tran-trong-dung.jpg
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng phát biểu tại hội thảo.

Đề xuất giải pháp để việc bảo vệ bản quyền báo chí trên nền tảng số hiệu quả hơn, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số cần có bộ công cụ số để các quan báo chí nhận diện thương hiệu, làm nhãn bản quyền. Các cơ quan báo chí cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau bảo vệ bản quyền nội dung. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục đạo đức, văn hóa cho nhà báo.

Cũng đề xuất đến giải pháp, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần quy định rõ hơn về bản quyền trong luật chuyên ngành là Luật Báo chí; Hội Nhà báo Việt Nam cần sớm thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí; bổ sung quy định về bản quyền báo chí trong Luật Sở hữu trí tuệ...

hoi-thao-1.jpg
Các diễn giả tại phiên thảo luận. Ảnh: Q.K

Về phía Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Cục trưởng Đặng Thị Phương Thảo cho biết, trong thời gian qua, Cục đã rất tích cực trong việc trợ giúp các cơ quan báo chí đấu tranh với vấn nạn vi phạm bản quyền. Tiêu biểu là với việc sửa đổi Luật Báo chí, Cục đã tham mưu cho Bộ một nội dung quan trọng là hoạt động báo chí trên không gian số nhằm đáp ứng sự phát triển của báo chí trong tình hình mới. Trong đó bản quyền báo chí là điểm nhấn. Bên cạnh đó Cục cũng đang tham mưu với Bộ xây dựng quy trình chuẩn nhằm trợ giúp báo chí đấu tranh với vi phạm bản quyền.

“Ở thời điểm hiện tại, các cơ quan báo chí nếu phát hiện ra vi phạm bản quyền có thể trực tiếp thông báo tới Cục Báo chí hoặc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, chúng tôi sẽ xử lý kịp thời, kể cả nền tảng xuyên biên giới như Tiktok, Facebook …”, bà Thảo nói.

Lãnh đạo Cục Báo chí cũng cho biết, thời gian qua Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia của Cục đã có hai đề tài khoa học được nghiệm thu, đó là vận hành media hub để phối hợp với cơ quan báo chí đó, quét nội dung vi phạm bản quyền và hội đồng giúp xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Các mô hình đang được chạy thử và có thể đưa vào triển khai diện rộng trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số