Tọa đàm về “Giá nước sinh hoạt” là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi chương trình tọa đàm ” nước và cuộc sống” được tổ chức bởi Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam, nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin thường xuyên giữa các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, đóng góp tiếng nói tích cực trong công tác bảo vệ, khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước – môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nước là mặt hàng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe của hàng triệu người dân. Vì vậy giá của mặt hàng đặc biệt ấy luôn là vấn đề “Nóng” được cả xã hội quan tâm. Xung quanh giá nước có rất nhiều vấn đề cần thảo luận.
Tọa đàm về Giá nước sinh hoạt chính thức diễn ra vào sáng ngày 28/11/2019.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung ứng nước sạch, Thông tư liên tỉnh số 75 năm 2012 liên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đi kèm có Thông tư 88 của Bộ Tài chính… hướng dẫn việc tính giá nước. Trong đó, Nhà nước sẽ ban hành khung giá nước sinh hoạt, các địa phương ban hành giá nước riêng tùy theo điều kiện, hoàn cảnh nhưng không vượt quá khung mà Nhà nước đã ban hành.
Cũng theo ông Thỏa, để tính giá nước sinh hoạt, các cơ quan chức năng sẽ phải căn cứ vào 3 yếu tố. Trong đó, yếu tố thứ nhất là vấn đề đầu vào để sản xuất nước sạch; thứ hai là cơ cấu nguồn vốn đã có, đi vay ít hay nhiều thì lãi vay cao thấp khác nhau; thứ ba quy định về khấu hao tài sản cũng là khoản chi phí hình thành nên giá, tài sản đã hết khấu hao nhưng vẫn dùng được vào sản xuất vẫn sử dụng nhưng không tính vào giá…
Về các mức giá, đại đa số tính giá bù đắp được chi phí sản xuất và có lợi nhuận, tối thiểu 5%. Nhưng không phải 100% các địa phương giá nước đều đảm bảo, còn có các địa phương có giá chưa bù đắp được chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Trọng Dương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam
Ông Nguyễn Trọng Dương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: quy định về suất đầu tư của Bộ Xây dựng còn thiếu, chưa đầy đủ. Theo ông Dương, không phải cứ công nghệ tiên tiến thì đắt tiền. “Công nghệ hiện đại giúp chúng ta hạ giá thành. Ví dụ như máy biến tần, giúp máy bơm nước đáp ứng nhu cầu mạng lưới, rất tiết kiệm điện. Nếu có định mức về công nghệ hiện đại cơ quan quản lý giá hoàn toàn kiểm tra được cái này”.
Ông Dương cho rằng, cả nước sông Đuống, hay nước sông Đà đều thiếu các công cụ tính giá, các cơ quan quản lý giá địa phương rất vất vả để định giá. Bên cạnh đó, Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng cho phép đưa chi phí thất thoát nước vào giá thành. Đây là rất vô lý bởi “thất thoát nước thương mại do kỹ năng quản lý vận hành, đồng ho đo nước sai số… không thể bắt khách hàng phải chịu”.
Tuy nhiên, hiện nay, 63 tỉnh thành khác nhau, có trăm cách áp dụng khác nhau, hơn 100 công ty cấp nước có mức giá nhau, đó chính là đặc thù của ngành nước, bởi giá nước không chỉ là vấn đề lý thuyết, do đó không thể có 1 mức giá nước thống nhất trên toàn quốc.
Thông qua buổi tọa đàm, xã hội sẽ có cái nhìn rõ hơn, khách quan hơn về các vấn đề liên quan đến giá nước sinh hoạt; các đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch hiểu hơn những lo lắng của người dân để tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Xây dựng, Bộ tài chính, Chính quyền địa phương, các Bộ ban ngành có liên quan quan tâm sát sao hơn nữa tới lĩnh vực cấp nước, để thúc đẩy, hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của ngành nước tại Việt Nam.
Ngọc Phương