Thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, các hồ chứa trên 11 lưu vực sông đang vận hành trong thời kỳ mùa cạn và về cơ bản, phần lớn mực nước các hồ chứa lớn đều đang cao hơn mực nước tối thiểu quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa. Tổng dung tích các hồ có thể điều tiết cấp nước đến cuối mùa cạn năm 2022 là khoảng 23,8 tỷ m3, trong đó riêng các hồ khu vực miền Bắc (lưu vực sông Hồng) là 13,8 tỷ m3 .
Tuy nhiên, theo dự báo khí tượng, thủy văn trong các tháng còn lại của mùa cạn năm 2022, về tổng thể, lượng mưa cũng như lượng dòng chảy ở các lưu vực sông thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10-40% tùy từng vùng. Riêng khu vực Bắc Bộ, lượng dòng chảy các sông thiếu hụt từ 10-20%, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 10- 40%, một số sông thiếu hụt trên 40% so với trung bình nhiều năm (trừ các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và khu vực Nam Tây Nguyên cao hơn TBNN cùng kỳ từ 20-30%).
Ảnh minh họa
Tổng lượng nước đến các hồ thủy điện vừa và lớn thuộc quy trình liên hồ dự báo thiếu hụt từ 5-35% tùy từng khu vực, riêng các hồ thuộc lưu vực sông khu vực miền Bắc, thiếu hụt 10-20% (lưu vực sông Đà), lưu vực sông Hương thiếu hụt từ 12-28%, lưu vực sông Ba thiếu hụt 15-35%, lưu vực sông Sê San thiếu hụt từ 5-20%, lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn thiếu hụt từ 5-30%, lưu vực sông Trà Khúc thiếu hụt từ 13-16% so với TBNN. Các lưu vực sông còn lại có tổng lượng dòng chảy đến các hồ xấp xỉ TBNN (lưu vực sông Đồng Nai, lưu vực sông Cả). Việc thiếu hụt dòng chảy trên các lưu vực sông có nguy cơ làm giảm khả năng đảm bảo nhu cầu sử dụng nước phía hạ du các hồ chứa lớn. Ngoài ra, theo dự báo trong các tháng cao điểm từ tháng 5-8/2022, xuất hiện nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, dự báo có khả năng xuất hiện tương đương với TBNN, nhiệt độ phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN, riêng tháng 7-8/2022 ở khu vực Trung Trung Bộ cao hơn từ 0,5-1,0oC. Vì vậy, vào các thời điểm này nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa, để đảm bảo việc điều tiết cấp nước cho hạ du trong suốt thời gian mùa cạn thì các hồ chứa lớn, quan trọng đảm bảo duy trì mực nước hồ theo đúng quy định và yêu cầu về duy trì dòng chảy tối thiểu và đảm bảo lưu lượng đáp ứng các nhu cầu sản xuất, dân sinh và nhu cầu thiết yếu của nhân dân khu vực hạ du các hồ chứa.
Trong khi đó, cơ cấu về sản lượng nguồn điện quốc gia hiện nay thì nhiệt điện than chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 46%, thủy điện chiếm 30%, còn lại là các loại hình khác như tuabin khí, năng lượng tái tạo, nhập khẩu,…chiếm 24%. Theo báo cáo của EVN, hiện nay do tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp làm đứt gãy nguồn cung nhiên liệu làm thiếu thụt nhiên liệu, khiến cho các nhà máy không đảm bảo phát đủ công suất cũng như sản lượng đáp ứng cho hệ thống theo đúng kế hoạch, đặc biệt không đủ công suất khả dụng để đáp ứng phụ tải vào cao điểm chiều, tối. Dự kiến thời gian tới, hệ thống điện Quốc gia cũng như hệ thống điện miền Bắc tiếp tục gặp khó khăn về thiếu hụt công suất vì nhu cầu sử dụng điện có xu hướng tăng cao sau khi Chính phủ thực hiện các giải pháp thích ứng Covid trong tình hình mới (tính đến hết quý I/2022, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tăng 7,5% so với cùng kỳ 2021, dự kiến các tháng còn lại và cả năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 8,73%).
Theo dự kiến thì nguy cơ thiếu hụt công suất đỉnh hệ thống điện miền Bắc trong các tháng cao điểm nắng nóng mùa khô sắp tới lên tới 1300-2500 MW tùy thuộc vào tình hình tiêu thụ điện thực tế. Ngoài ra, khu vực miền Bắc còn có nguy cơ thiếu cục bộ do nghẽn mạch truyền tải từ khu vực miền Trung, miền Nam ra miền Bắc. Đồng thời, các nhà máy thủy điện lớn bị suy giảm công suất khi mực nước hạ thấp do việc phải đáp ứng duy trì lưu lượng xả về hạ du và phải điều chỉnh biểu đồ huy động tránh phát vào các giờ điện mặt trời có công suất phát cao (từ 09 giờ sáng đến 14 giờ chiều).
Mặt khác, với đặc điểm của nguồn năng lượng tái tạo là phát điện phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhiên liệu sơ cấp (như nhà máy điện mặt trời chỉ phát được vào ban ngày, công suất phát cao nhất rơi vào thấp điểm trưa của phụ tải hệ thống) nên để tận dụng khai thác các nguồn điện năng lượng tái tạo, các nguồn điện truyền thống đã phải vận hành linh hoạt, điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo cân bằng nguồn tải. Tuy nhiên, do tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo phát vào thấp điểm trưa (11-12h) trong các ngày làm việc bình thường và nhu cầu phụ tải tăng cao hơn trong các dịp nghỉ Lễ, Tết nên các nguồn điện truyền thống hầu như phải ngừng, giảm phát trong khoảng thời gian này. Trong thời gian tới, tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra, nhất là trong các ngày phụ tải giảm thấp như ngày Chủ nhật, Lễ, Tết.
Trường hợp các hồ vận hành linh hoạt, tiết kiệm giữ mực nước hồ, dự kiến tổng công suất khả dụng có thể tăng thêm khoảng 1.500 MW (so với trường hợp hạ mực nước hồ về mực nước chết) nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao trong giai đoạn cao điểm nắng nóng. Tuy nhiên, việc huy động vận hành các hồ chứa linh hoạt như trên sẽ ảnh hưởng tới việc tuân thủ các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Vận hành hồ chứa linh hoạt để bảo đảm an ninh năng lượng trong mùa nóng
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để đảm bảo công suất cũng như sản lượng khả dụng trong các tháng cao điểm có vai trò rất quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, việc xem xét giải pháp vận hành linh hoạt, tiết kiệm, giữ mực nước tại các hồ thủy điện lớn trong thời gian tới là cần thiết.
Để vừa đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục, đảm bảo an ninh năng lượng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phù hợp với nhu cầu sử dụng nước của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, dân sinh, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định các nội dung như sau:
Một là, cho phép điều chỉnh tạm thời (từ nay đến hết tháng 10/2022) chế độ vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng (trong điều kiện bình thường) theo hướng tiết kiệm, linh hoạt, cụ thể:
Đối với khu vực miền Bắc (trên lưu vực sông Hồng): cho phép hồ Hòa Bình vận hành linh hoạt, ngừng huy động trong những chu kỳ thấp điểm của phụ tải (từ 21 giờ đến 06 sáng hàng ngày và ngày chủ nhật, tập trung phát điện chạy máy cao vào các giờ ban ngày để cấp nước cho nhu cầu của nhân dân (đặc biệt là cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà) cũng như hệ thống điện.
Đối với khu vực miền Trung và miền Nam, cho phép các hồ vận hành đáp ứng lưu lượng và thời gian chạy máy theo hướng linh hoạt, không vận hành phát điện vào các giờ huy động điện mặt trời cao (từ 09 giờ sáng đến 14 giờ chiều), huy động vận hành các hồ phát điện trong các khoảng thời gian còn lại trong ngày để đảm bảo cấp nước hạ du và nhu cầu hệ thống điện.
Trong các dịp Lễ, Tết, thứ 7, chủ nhật tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, yêu cầu của từng địa phương, hiện trạng nguồn nước trên lưu vực và từng hồ chứa, có thể giảm lượng cấp nước nhưng tối đa không quá 50%.
Hai là, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp đồng bộ đảm bảo hài hòa giữa việc đáp ứng an ninh năng lượng và cấp nước cho các hoạt động sản xuất và dân sinh ở hạ du, cụ thể:
Đối với Bộ Công Thương: chỉ đạo EVN và các cơ quan chức năng phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan thống nhất phương án điều chỉnh việc vận hành của từng hồ chứa trong 11 Quy trình vận hành liên hồ theo hướng linh hoạt vừa đảm bảo cấp nước hạ du vừa không ảnh hướng lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt từng địa phương.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổ chức theo dõi, giám sát việc vận hành các hồ chứa và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh trong trường hợp cần thiết. Trong thời gian tới, phối hợp các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện rà soát, điều chỉnh các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông theo hướng linh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển nguồn năng lượng tái tạo, hài hòa giữa yêu cầu đáp ứng hệ thống điện vừa bảo đảm các yêu cầu phòng chống lũ và cấp nước cho hạ du các lưu vực sông.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi phía hạ du rà soát, kiểm tra, sẵn sàng cho việc lấy nước khi các hồ xả nước, bảo đảm phù hợp với thực tế mực nước trên sông và khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi; hướng dẫn các địa phương khu vực hạ lưu lấy nước phù hợp với thời gian xả nước của các hồ chứa theo phương án vận hành linh hoạt.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: chỉ đạo các tổ chức trực thuộc, các cơ quan liên quan trong phạm vi cấp tỉnh quản lý lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp với phương án vận hành linh hoạt của các hồ chứa phía thượng lưu; chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh quản lý thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa; đồng thời cải tạo, nâng cấp, bổ sung công trình để chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước phù hợp với thực trạng nguồn nước trong thời gian tới.
Đối với các đơn vị quản lý vận hành hồ: trên cơ sở điều chỉnh kế hoạch vận hành hồ chứa của Bộ Công Thương, lập kế hoạch vận hành điều tiết nước cho phù hợp, giảm thiểu tối đa các tác động đến nguồn nước và việc khai thác, sử dụng nước ở hạ du, đặc biệt là các công trình cấp nước sinh hoạt.
Hoàng Anh