Làng nghề trăm năm tuổi
Nghề làm hương ở xã Quảng Phú Cầu có từ cách đây khoảng 100 năm. Từ chỗ chỉ là nghề phụ người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương phát triển mạnh, trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân của xã Quảng Phú Cầu. Công việc làm tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu nhộn nhịp suốt cả năm, nhưng sôi động hơn cả là vào ba tháng cuối năm phục vụ nhu cầu hương Tết.
Nghề tăm hương với nhiều công đoạn khác nhau, nhưng những người thợ ở xã Quảng Phú Cầu luôn tâm niệm, làm nghề tuyệt đối không được cẩu thả, bởi vì hương liên quan đến thờ cúng, tâm linh.
Những thanh vầu, tre, nứa để làm hương được nhập từ các tỉnh ở miền Trung, sau đó đưa ngâm xuống ao từ 1-2 tháng, rồi vớt lên rửa sạch, chẻ thành tăm. Trước đây vầu sẽ được người thợ chẻ, tuốt, vót hoàn toàn bằng tay. Tuy nhiên do nhu cầu sản xuất lớn, hiện nay các hộ gia đình đều đầu tư máy móc để thực hiện, đảm bảo về số lượng và chất lượng tăm đều, đẹp.
Quy trình làm hương bao gồm 3 công đoạn: Thứ nhất là nhập nguyên liệu: nguyên liệu bao gồm nhựa trám, than đen và tăm, công đoạn thứ 2 là se hương, công đoạn cuối cùng là phơi hương và đóng gói sản phẩm.
Làm tăm hương là công đoạn đầu tiên nhưng lại cực kỳ quan trọng, bởi nó quyết định sự hoàn thiện cả về chất lượng và mẫu mã của sản phẩm. Vầu được đưa vào máy chẻ tự động, sau đó là phân lớp. Những que tăm chất lượng sẽ được mang đi nhuộm chân hương và phơi khô. Sau công đoạn phơi khô, tăm hương sẽ được bó thành từng bó vừa, rồi chuyển đến tay những người thợ để se thành hương. Lúc này người thợ sẽ dùng chất kết dính để bột hương có thể dính vào chân hương. Hương khi se xong sẽ được phơi khô tự nhiên dưới ánh nắng, khoảng thời gian phơi đẹp nhất là từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Hương phải được phơi dưới nắng chứ không sấy khô, vì sấy sẽ làm mất đi mùi hương đặc trưng của làng Quảng Phú Cầu.
Để có được một nén hương phải qua rất nhiều công đoạn, trong một nén hương có 20-36 vị thảo mộc xay và trộn đều, tạo mùi hương khác nhau tùy bí quyết từng cơ sở. Thay vì sấy khô, nén hương se xong cần phơi dưới nắng để giữ được hương thơm tự nhiên, nếu nắng mùa hè quá gắt sẽ giảm mùi hương.
Hương đen đặc biệt vì mùi hương đặc trưng và bí quyết gia truyền.
Gia đình anh Nguyễn Tiến Hoàng đã có mười năm làm hương, là một trong hai hộ sản xuất duy nhất của xã sản xuất hương đen truyền thống. Hương đen đặc thù làm từ nhựa trám đen, nhựa trám rừng và than đen, có mùi đặc trưng khác hẳn với các loại hương thông thường. Hương thông thường được làm từ bột trầm và hương bài, quế. Mùi nhựa trám là mùi riêng biệt, được các cụ truyền lại từ đời xưa. Chính vì thế, đây là loại hương vô cùng đắt khách và cũng khó mua hơn các loại hương thông thường khác.
Theo anh Hoàng, công đoạn quan trọng nhất trong làm hương là trộn các nguyên liệu làm hương với nhau để thành bột hương, quyết định mùi hương có đủ thơm, chất lượng hay không.
Làng nghề hương vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất kinh doanh
Năm 2016, anh Nguyễn Tiến Thi (Thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu) thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất hương làng nghề Xà Cầu với sản phẩm hương đen Thủy Xuân Tiên. Được sự hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX TP. Hà Nội, sản phẩm hương đen Thủy Xuân Tiên đã được giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ với nhiều tỉnh, thành. Thành công lớn nhất của HTX là gây dựng, phát triển được hệ thống các đại lý bán lẻ ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Từ khi bùng phát dịch COVID-19, không ít xưởng sản xuất đã phải giảm công suất từ 20-50%. Các chủ cơ sở sản xuất tăm hương cũng nỗ lực trong việc tìm thị trường để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Hiện tại, việc sản xuất hương của xã đã cơ bản phục hồi. Hàng năm, hợp tác xã đều tham gia hội chợ quảng bá các sản phẩm, tuy nhiên năm nay do tình hình dịch COVID-19, không thể tổ chức hội chợ nên khó khăn về đầu ra. Dù khó khăn, hợp tác xã vẫn phân phối hương đi được nhiều đại lý hương trên toàn quốc. Thị trường lớn nhất là Hà Nội, Thái Nguyên, Hoà Bình, Nam Định, ở khu vực miền Nam có TP. Hồ Chí Minh, An Giang,…
Người dân thu lại hương sau khi đã phơi đủ nắng.
Ông Nguyễn Lương Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu chia sẻ: “Hiện nay, xã Quảng Phú Cầu là một trong những làng nghề làm hương truyền thống rất lâu đời và đã mang lại lợi nhuận kinh tế đối với người dân địa phương, tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho nhân công. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xã chủ động tuyên truyền người dân vừa chống dịch vừa sản xuất kinh tế. Bên cạnh đó, người dân có ý thức cao trong công tác chống dịch, đảm bảo được khoảng cách, duy trì sản lượng sản xuất”.
Để duy trì được thương hiệu và sự tin cậy với khách hàng, chất lượng hương là điều kiện tiên quyết. Nguyên liệu sản xuất hương được vận chuyển từ trên rừng về, tất cả nguồn nguyên liệu đều được các cơ quan chuyên môn đánh giá, thẩm định, đảm bảo không có tác động xấu đến môi trường và sức khoẻ người sử dụng.
Đồng thời, để phát huy truyền thống làng nghề, lãnh đạo xã cũng vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất và duy trì thương hiệu sản xuất làng nghề, vận động lớp trẻ của xã tiếp nối truyền thống của gia đình và của xã Quảng Phú Cầu.
Nghề làm hương xã Quảng Phú Cầu nhộn nhịp, tất bật nhất là 2 đến 3 tháng trước Tết. Mọi năm, nhiều hộ huy động nhân công từ bên ngoài vào nhưng năm nay tình hình dịch bệnh, mỗi nhà đều cố gắng tự sản xuất để phòng chống dịch. Giữ gìn truyền thống làng nghề cũng là nỗi trăn trở của bà con nơi đây, để làng nghề hương xã Quảng Phú Cầu phát triển hơn nữa.
Thu Hoài