Về miền Tây ngắm chợ nổi ngày Tết

Mai Lê|24/01/2020 10:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cứ vào dịp cuối năm, chợ nổi lại đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên với lung linh sắc Tết, tạo nên nét đặc trưng cho văn hóa chợ của miền sông nước.

Với hơn 54.000 km chiều dài của sông rạch, miền Tây Nam Bộ chứa đựng một nền văn minh văn hóa sông nước đặc trưng không nơi nào ở Việt Nam có được, đặc biệt là những khu chợ nổi trên sông, đã gắn liền với đời sống nhân dân hàng mấy trăm năm nay từ thời khẩn hoang lập đất.

Xuân về tết đến, du khách khi tìm về vùng ĐBSCL, ai cũng mong muốn được tham quan chợ nổi một lần cho biết. Bởi lẽ, chợ nổi mang đậm dấu ấn miệt vườn, sông nước miền Tây thể hiện qua cách mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản độc đáo, ngộ nghĩnh.

Các chợ nổi ở Miền Tây được nhiều người biết đến nhất như chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), chợ Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) chợ nổi Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng)…

Những ngày giáp tết, hàng ngàn chiếc xuồng ghe lớn nhỏ khắp nơi tụ về chợ nổi để trao đổi hàng hóa kéo dài 2-3km trên những khúc sông tạo nên không khí mua bán rất sôi động.

Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ là cái tên đầu danh sách cho bất cứ ai muốn trải nghiệm những phiên chợ trên sông nước, nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng tàu từ Bến Ninh Kiều theo sông Cần Thơ vào.

Vì đây là chợ nổi có diện tích lớn nhất, bày bán mọi loại nông sản và hàng hóa. Ngày thường chợ chỉ họp từ chiều tới 9 giờ tối nhưng những ngày giáp Tết, chợ dường như họp cả ngày, luôn sôi động và ồn ã. Chợ nổi Cái Răng đặc biệt ở chỗ nó có tất cả các loại nông sản xếp vào hàng đặc sản nổi tiếng như  bưởi năm roi Vĩnh Long, quýt hồng Lai Vung, sầu riêng Cái Mơn, dừa sáp Trà Vinh…

Một nhà thơ khi về thăm chợ nổi Cái Răng đã viết:

“Tết này anh về thăm chợ nổi

Ngồi bờ sông ngó dáng em chèo

Con gái miệt vườn xinh quá đổi

Má đồng tiền và mắt trong veo”

Không chỉ có cô gái miệt vườn duyên dáng, mộc mạc, vào những ngày cận tết nếu có dịp bềnh bồng trên chợ nổi Cái Răng, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong trẻo, mát mẻ đầu xuân cùng những âm thanh sôi động, được chứng kiến cảnh mua bán nhộn nhịp, độc đáo trên sông.

Các xuồng dịch vụ nhỏ gọn, len lỏi áp mạn các ghe lớn đáp ứng nhu cầu của mọi người. Ghe lớn, ghe nhỏ chen chúc nhau nhưng mọi người điều khiển phương tiện rất thiện nghệ và nhường nhịn, giúp đỡ nhau. Có những chiếc ghe như “căn hộ di động” trên sông nước với các tiện nghi đầy đủ như ti-vi màu, đầu dĩa, dàn âm thanh, những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi,… và có cả xe gắn máy đậu trên ghe.

Nếu dạo quanh một vòng chợ nổi sẽ phát hiện ra những cảnh mua bán trao đổi hàng hóa rất thú vị, nhất là cảnh thương hồ giao hàng: người bán đứng trên ghe lớn nhận từng túi, giỏ hàng, hoặc trái cây từ người ở ghe nhỏ chuyền lên cho. Kẻ chuyền, người nhận nhịp nhàng, điệu nghệ. Hòa mình vào thế giới thu nhỏ giữa mênh mông trời, nước, khách cảm thấy ấm lòng với những nụ cười hiền hậu, thân thương.

Chợ nổi Cái Răng nhộn nhịp ngày giáp Tết

Chợ nổi Cái Răng vào những ngày giáp tết âm lịch như thế này là vui hơn cả vì những ngày này có nhiều thương hồ, thuyền bè khắp nơi ghé đến, số lượng hàng hoá cũng tăng lên gấp nhiều lần so với ngày thường, thời gian họp chợ cũng kéo dài thêm. Cả khu chợ như phình to ra, lấn gần hết cả lòng sông và sôi động , náo nhiệt với đủ loại âm thanh của hàng trăm ghe, tàu.

Có thể nói một trong những nét độc đáo ở chợ nổi miền Tây nói chung và chợ nổi Cái Răng nói riêng là hình ảnh cây sào cắm trước mỗi mũi ghe treo lung lẳng các loại nông sản. Ghe bán mặt hàng nông sản nào treo mặt hàng nông sản đó. Đây được gọi đây là cây bẹo, tức “bẹo hình bẹo dạng” là phô trương hình dáng, chưng diện màu sắc có ý khoe khoang, mời gọi.

Cây bẹo là một hình thức quảng cáo độc đáo, thông minh của cư dân chợ nổi. Vì nếu treo bảng hiệu mà để quá cao sẽ vướng gió, để quá thấp khách hàng sẽ không thấy. Khi có cây bẹo, khách hàng chỉ cần đứng từ xa nhìn vào là đã biết trên ghe bán những mặt hàng nào. Nhưng với những ghe hoa của miền chợ nổi thì không cần phải thế. Chính màu sắc rực rỡ của hoa với mai vàng, cúc trắng, vạn thọ… mang sắc Xuân rất đặc trưng của sông nước miền Tây đã đủ sức thu hút người đi chợ.

Chính cây bẹo và những cô gái miệt vườn đã hút hồn bao tao nhân, mặc khách khi về thăm chợ nổi.

“Chợ nổi ghe xuồng chen chúc đậu

Em bẹo trên cây những trái gì

Mít , dừa, mận, ổi hay dưa hấu

Nhớ bẹo dùm anh một trài …si”

Chẳng biết du khách đến đây si tình cô gái miệt vườn duyên dáng trên sông hay si tình chợ nổi. Chỉ thấy rõ một điều, chợ nổi đã tạo nên cái hồn, nét văn hóa đặc sắc cho vùng đất này. Chợ nổi Cái Răng trong những ngày giáp tết như một nét chấm phá đầy thi vị trong bức tranh vùng sông nước Cửu Long. Nó như cô gái miệt vườn được trang điểm lộng lẫy nhưng vẫn ẩn chứa những duyên ngầm mộc mạc, chân quê, góp phần tổ điểm cho vùng đất Tây Đô trong những ngày xuân càng thêm thơ mộng, qua đó càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài tìm đến khám phá và trải nghiệm.

Theo các nhà nghiên cứu, những cái chợ nổi như thế này ở ĐBSCL đã được hình thành từ lâu. Hồi đó, đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển như bây giờ. Vì vậy, người dân ở đây coi xuồng, ghe như cái chân để mọi người tìm đến với nhau trao đổi hàng hóa. Những đoạn sông, ngã ba, ngã năm, ngã bảy…. mà người dân thường tụ họp mua bán dần dà được gọi là chợ nổi.

Trên chợ nổi Cái Răng luôn tấp nập tạo không khí ồn ào, náo nhiệt cũng với tiếng xình xịch phát ra từ chiếc máy nổ sau mỗi ghe, tiếng cười tiếng nói, tiếng trả giá khi mua hàng,… huyên náo cả một khúc sống. Hàng hóa ở chợ nổi này rất đa dạng, từ thực phẩm tươi sống, ngũ cốc, đặc sản hoa quả địa phương,…

Du ngoạn trên chợ nổi Cái Răng, du khách không chỉ là có cơ hội thưởng thức nhiều đặc sản hấp dẫn mà còn được tận mắt chứng kiến hoạt động mua bán vô cùng sôi nổi trên sông nước mênh mông. Những chiếc xuồng máy sẵn sàng len lỏi khắp nơi để phục vụ thức ăn, nước uống cho du khách tham quan và người dân địa phương rất tận tình, chu đáo. Trên những chiếc ghe lênh đênh giữa sông nước du khách có thể thưởng thức những tô bún nóng hổi, tô hủ tiếu thơm lừng,…hay nhâm nhi ly café sáng, ngắm cảnh sầm uất của khu chợ nổi tiếng này.

Tết, chợ hoạt động xôm hơn và thời gian nhóm chợ cũng dài hơn, nhà vườn từ các nơi ai cũng tranh thủ những ngày cuối năm mang sản phẩm ra chợ bán sau nhiều tháng ngày tốn công chăm hoa kiểng, cây trái, rau củ quả. Thôi thì, ghe tàu, xuồng chờ hàng hóa chạy trên sông như mắc cửi nên xảy ra va quẹt nhau. Thế nhưng, ít khi nào các chủ ghe cự cãi nhau mà cười xòa, nói nhau vài câu giả lả bỏ qua.

Mua hàng cũng vậy, thuận mua vừa bán nên ít khi xảy ra cự cãi nhau. Ngày tết, không khí mua bán càng vui vẻ, người bán muốn bán nhanh để lo cho chuyến hàng sau, người mua muốn mua mặt hàng ưng ý để con về nhà đón tết…

Chợ nổi dẫu giản dị và xuất phát từ sự khó khăn trong giao thông tại các tỉnh miền Tây kênh rạch chằng chịt nhưng nó lại mang đến một nét đẹp văn hóa đặc trưng của mảnh đất trù phú cây trái quanh năm và con người hiền hậu dễ mến. Nếu bạn muốn ghé thăm những phiên chợ độc đáo này thì còn chờ đợi gì nữa, chợ nổi đông vui nhộn nhịp vào những ngày giáp Tết này chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Mai Lê

Bài liên quan
  • Tết của những người lính biển Đông Bắc
    Moitruong.net.vn – Tết là dịp để mọi nhà sum họp, đoàn viên nhưng những con tàu của Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng rời bến thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mùa xuân trên biển. Chúng tôi có dịp cùng cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu chuẩn bị đón xuân giữa biển, trời Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về miền Tây ngắm chợ nổi ngày Tết