Vì sao nắng nóng mùa hè không đẩy lùi được COVID-19

Minh Hương (T/h)|21/07/2020 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bắc bán cầu đã trải qua nửa mùa hè rực lửa nhưng COVID-19 vẫn hoành hành khắp nơi và chưa có dấu hiệu được đẩy lùi. Đây là điều đã được cảnh báo từ trước nhưng người dân khắp nơi vẫn coi thường.

Ngày 14/4, AFP dẫn nghiên cứu mới công bố cho rằng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 có thể nhanh chóng bị tiêu diệt dưới ánh nắng, đem lại hy vọng đại dịch có thể được ngăn chặn khi mùa hè tới.

Trước đó, từ tháng 3, nước Mỹ bắt đầu phải hứng chịu hậu quả nặng nề do dịch bệnh này gây ra. Cùng thời điểm AFP đăng tải nghiên cứu trên, ông William Bryan – quyền thứ trưởng phụ trách khoa học và công nghệ, Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng khẳng định có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 sẽ chết nhanh dưới ánh sáng mặt trời.

Các nhà khoa học khi đó vẫn tỏ ra thận trọng, vì vào thời điểm đó đã có nhiều ổ dịch xuất hiện ở các quốc gia nhiệt đới, và thậm chí ở một số bang miền nam Mỹ đang trải qua đợt nóng kỷ lục.

Đến bây giờ là giữa mùa hè, mọi hồ nghi đã trở thành hiện thực khi Mỹ ghi nhận hơn 3,4 triệu ca nhiễm COVID-19, số ca nhiễm mới tăng mỗi ngày liên tục phá kỷ lục, đặc biệt là ở các bang thuộc “vành đai Mặt trời” như Florida, Arizona, Texas…

Thật ra ông Trump hay ông Bryan nói không sai, virus corona quả thật yếu đi dưới dưới ánh sáng và cái nóng, nhưng họ không phải chuyên gia để nhận ra còn thiếu một mảnh ghép rất quan trọng.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Science ngày 15-5, nhóm nghiên cứu của Viện Môi trường ĐH Princeton kết luận rằng mùa hè sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đại dịch COVID-19 vì lý do: SARS-CoV-2 là virus mới, đề kháng của con người với nó gần như bằng 0.

Dân California đổ ra bãi biển trong mùa hè này dù số ca nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt ở Mỹ – Ảnh: AP

Giáo sư Colin Carlson – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và biến đổi khí hậu (ĐH Georgetown), tỏ ra không ngạc nhiên với thực tế trước mắt. Ông nói giới khoa học rất thất vọng khi các thông điệp sai lầm về virus corona cứ lan truyền trong cộng đồng.

“Tôi nghĩ chắc hầu hết người Mỹ tin rằng ánh sáng và cái nóng sẽ giết chết virus, và anh có thể đi ra ngoài mà không hề hấn gì. Thực tế cho dù anh ở ngoài trời, anh vẫn có thể lây và nhiễm virus nếu ở gần đám đông”, GS Carlson giải thích.

Còn giáo sư Sadie Jane Ryan, ĐH Florida, giải thích rằng về mặt tâm lý, khi một căn bệnh mới như COVID-19 xuất hiện, con người ta có xu hướng bám víu lấy mọi thứ chừng như một phương thuốc khả dĩ hoặc một lý do trấn an rằng nó an toàn.

Ông Marshall Shepherd, giám đốc chương trình khoa học khí quyển ĐH Georgia, gọi hiện tượng đó là “sự mộng tưởng”.

“Con người vẽ ra những kịch bản trong tâm trí, nhưng chúng không ăn nhập gì với khoa học và dữ liệu. Ngay từ đầu chúng ta không biết gì về mối quan hệ giữa nhiệt độ và COVID-19”, ông giải thích.

Có một chi tiết đáng chú ý trong nghiên cứu của ĐH Princeton: nhóm khoa học kết luận rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại như một loại cúm mùa chứ không biến mất hẳn. Còn ở thời điểm hiện tại, sự thiếu đề kháng trong dân số là yếu tố chính đẩy mạnh đại dịch.

Còn tại Việt Nam, giới chuyên gia cũng từng cảnh báo người dân tuyệt đối không nên chủ quan với dịch bệnh ngay cả khi cái nắng nóng mùa hè như đổ lửa.

Theo PSG.TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam cho hay, con đường lây nhiễm chính của COVID-19 là do các giọt dịch tiết bắn ra từ đường hô hấp khi ho, hắt hơi… bất cứ ai có tiếp xúc gần trong phạm vi dưới 2m với người bệnh đều có nguy cơ hít phải virus có trong giọt bắn ra hoăc chạm phải virus có trên bề mặt các đồ vật của người bệnh. Các điều kiện lây nhiễm này chủ yếu xảy ra ở trong nhà nên người bệnh chẳng thể trông chờ vào nắng nóng.

Minh Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vì sao nắng nóng mùa hè không đẩy lùi được COVID-19
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.