Tại tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang mưa đá đi kèm với gió giật mạnh cấp 9-10, đã làm tốc mái hơn 2.000 nhà dân, vặn gãy đổ nhiều cây xanh và cột điện, hạt đá ném xuống làm rách nát, gây hư hại nặng hàng trăm ha hoa màu. Đặc biệt tỉnh Lai Châu xuất hiện mưa đá với cường độ mạnh ở nhiều địa phương, thời gian mưa đá kéo dài khoảng 30 phút, có nơi trên 30 phút, hạt đá rơi rất dày. Sau khi mưa kết thúc để lại một lớp đá phủ trắng như tuyết sân trước nhà, trong vườn và đường đi từ 5-10cm, có chỗ hạt đá dồn lại dày tới 15-20cm, khiến các phương tiện như xe máy, ô tô không thể qua lại được vì trơn trượt.
Vùng núi Bắc Bộ xuất hiện mưa đá dày đặc
Lý giải về hiện tượng mưa đá xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh vùng núi miền Bắc. Các chuyên gia khí tượng đều cho rằng: Nguyên nhân hình thành mưa đá là chiều tối và đêm về sáng ngày 3/3, có một đợt không khí lạnh từ phía Bắc tăng cường xuống miền Bắc nước ta. Kết hợp với hoạt động của vùng hội tụ gió trên cao hình thành nhanh chóng trên khu vực Bắc Bộ, tạo thành một tổ hợp thời tiết xấu gây mây đối lưu phát triển mạnh. Tại các tỉnh vùng núi, do điều kiện địa hình cao thấp khác nhau khiến mây giông phát triển không đồng đều. Nơi mây giông phát triển mạnh tạo ra hạt đá lớn và nhiều, nên khi có mưa thường kéo dài, hạt đá rơi dày đặc hơn khu vực có mây đối lưu phát triển yếu.
Thông thường ở các tỉnh vùng núi miền Bắc mưa đá thường xuất hiện vào tháng 2, có những năm vào cuối tháng 1 đã xuất hiện mưa đá. Tháng 3 mưa đá tăng dần và đạt tần suất cao nhất là vào tháng 4. Tháng 5 mưa đá giảm dần. Tuy nhiên, trước sự biến đổi của khí hậu khiến mưa đá xảy ra ngày càng bất thường, trái với quy luật vốn có của tự nhiên.
Hải Dương