Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống

Hà Anh|07/11/2020 13:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 7-11, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống (1990-2020) và chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

Tới dự buổi lễ có PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; các nhà báo lão thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Hà Đăng, Hồng Vinh; GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Quế Đình Nguyên…, cùng đông đảo các thế hệ giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Viện.

Năm 1990, khoa Báo chí (tiền thân của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) ra đời, ghi dấu mốc quan trọng cho sự kiện lần đầu tiên, việc đào tạo và nghiên cứu báo chí được đặt trong một ngôi trường không nằm trong hệ thống trường Đảng, hơn nữa, còn là trường đại học hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam – Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn (phải) trao bằng khen cho Viện đào tạo báo chí và truyền thông

Ngay từ những ngày đầu thành lập, khoa Báo chí đã quy tụ được đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, nhiệt tình, trong đó, nhiều thầy, cô là những nhà khoa học lớn, có tên tuổi, uy tín. Trong môi trường đào tạo và nghiên cứu KHXH và NV hàng đầu ở Việt Nam, sinh viên báo chí được tiếp cận và được truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc nhất từ những giáo sư đầu ngành, tạo nên những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết những sinh viên từ khoa báo chí (nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) luôn có nét riêng, đó là chất khoa học xã hội nhân văn được truyền thụ từ đội ngũ giảng viên của khoa.

“Người ta nói làm báo không phải làm văn, nhưng làm báo rất cần chất văn. Chính các thầy cô đã truyền được chất văn đó vào các thế hệ sinh viên”, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định.

Tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện Trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã điểm lại những chặng đường phát triển đầy vinh quang của đơn vị trong suốt 30 năm qua.

 Thế hệ giảng viên cao tuổi của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.

Với vai trò, vị thế là một trong hai cơ sở đào tạo báo chí truyền thông lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, đào tạo ba bậc từ cử nhân đến tiến sĩ ngành báo chí, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã và đang không ngừng đổi mới chương trình đào tạo để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí trong bối cảnh truyền thông hiện đại. Số tuyển sinh đầu vào các ngành đào tạo của Viện luôn đứng trong top 3 các ngành có đông đảo nhất sinh viên, học viên đăng ký nhiều năm liền của ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Viện cũng xác định nghiên cứu chuyên sâu và chắt lọc đề xuất, kiến nghị chính sách với các cơ quan lãnh đạo, quản lý cũng là nhiệm vụ trọng tâm.

Nhân dịp này, lãnh đạo Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã gửi lời cảm ơn đến các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý, cơ quan báo chí truyền thông, các đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt là các thế hệ thầy trò đã tâm huyết tham gia đóng góp, xây dựng khoa Báo chí trước đây và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông trong suốt 30 năm qua.

Cũng tại buổi lễ, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã vinh dự được đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT, Cờ thi đua xuất sắc của ĐHQG Hà Nội.

Hà Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống