Việt Nam: Cảnh báo cao nguy cơ bùng phát bệnh Whitmore

12/09/2019 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bệnh viện Bạch Mai vừa phát đi cảnh báo về căn bệnh Whitmore – một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm khi không có triệu chứng rõ ràng.

Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, riêng tháng 8, căn bệnh Whitmore đã khiến 4 người tử vong và đang có nguy cơ lây nhiễm cao vào mùa mưa này.

Thời gian gần đây, tại Hà Nội, liên tục xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu như trước đây từ 5 – 10 năm mới có 20 ca mắc whitmore. Nhưng tính từ đầu năm đến nay, tại Trung tâm đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này. Riêng tháng 8/2019, Trung tâm đã tiếp nhận 12 ca mắc whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong.

Cánh mũi bệnh nhân bị vi khuẩn whitmore tấn công.

Cụ thể, trong tháng 8/2019, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một một bệnh nhân nữ mắc bệnh Whitmore khá lạ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vi khuẩn whitmore đã ăn cánh mũi. Đứng trước tình huống cấp bách, các bác sĩ phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị để ngăn chặn tình hình xấu xảy ra, trong trường hợp không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, bác sĩ Đỗ Duy Cường, cho biết mùa mưa là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn whitmore phát triển. So với các năm, năm 2019 là năm xuất hiện whitmore nhiều, bệnh cảnh lâm sàng đa dạng. Whitmore tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam và bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị “lãng quên”.

Theo các bác sĩ, hiện bệnh Whitmore không có vaccine và không phương pháp phòng bệnh đặc hiệu. Whitmore do vi khuẩn gram âm gây bệnh cảnh nhiễm trùng máu. Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 50 – 60%.

Có rất nhiều con đường lây nhiễm bệnh Whitmore, nếu người dân không nắm bắt và cẩn thận đề phòng thì rất dễ bị lây nhiễm. Bởi bệnh có thể lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp các vết xước trầy da với đất hoặc nước nhiễm khuẩn; Hít phải các hạt bụi có chứa vi khuẩn.

Nguy hiểm hơn, bệnh có thể lây nhiễm qua đường ăn uống khi thức ăn nhiễm khuẩn hoặc việc tiếp xúc vết xước trầy da với động vật chết do nhiễm bệnh whitmore như chó, mèo, bò.

Trong trường hợp đã mắc bệnh whitmore nếu không được chẩn đoán đúng có nguy cơ gây tử vong rất nhanh.

Whitmore được coi là “kẻ mạo danh” vì bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác. Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.
Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi… Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Thậm chí ngay cả khi được chẩn đoán, việc điều trị cũng hết sức khó khăn, kéo dài. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần.
Tú Anh (t/h)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam: Cảnh báo cao nguy cơ bùng phát bệnh Whitmore
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.