MOITRUONG.NET.VN– Hiện nay, lượng sản phẩm nhựa, nilon được sản xuất và sử dụng rồi thải bỏ ra môi trường theo thói quen tiêu dùng của người dân ngày càng tăng. Các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất. Thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng.”
>>> Philippines: Bãi biển Boracay hoạt động trở lại với nhiều quy định chặt chẽ về môi trường
>>> Xây dựng Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh
Hiện nay, lượng sản phẩm nhựa, nilon được sản xuất và sử dụng rồi thải bỏ ra môi trường theo thói quen tiêu dùng của người dân ngày càng tăng. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41kg/năm/người vào năm 2015.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000-5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm 7-8%, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng.”
Chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng chưa được phân loại tại nguồn; chất thải nhựa có giá trị tái chế được thu gom mang tính chất tự phát ở quy mô hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do. Phế liệu nhựa từ sinh hoạt được thu gom từ nhiều nơi như hộ gia đình, siêu thị, bãi rác…. Chất thải nhựa không có hoặc có giá trị tái chế thấp là túi nilon, hộp xốp các loại, ống hút nhựa bị thải ra môi trường, đặc biệt, hiện nay việc sử dụng là túi nilon thường là loại túi siêu mỏng, khó phân hủy và bị thải bỏ sau một lần sử dụng.
Tính đến tháng 5/2018, có 43 sản phẩm của 38 công ty được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận túi nilon thân thiện với môi trường như túi nilon tự phân hủy sinh học Tân Chí Thành (Long An), túi tự hủy sinh học AAA của Công ty cổ phần nhựa và môi trường xanh An Phát (Hải Dương), túi nilon phân hủy sinh học ALTA của Công ty cổ phần văn hóa Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh).
Nhấn mạnh về các giải pháp, Thạc sĩ Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải rắn, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Với cơ quan quản lý, triển khai có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu cụ thể đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị.
Tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy tại các Trung tâm thương mại, siêu thị.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập các loại nhựa có giá trị tái chế cao; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó có yêu cầu phân loại chất thải nhựa tái chế trong chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp; chất thải phải được quản lý từ khâu phát sinh đến thu gom, vận chuyển và xử lý.
Bộ tiếp tục thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, trong đó xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội cũng như xử lý ô nhiễm môi trường với mục tiêu “Năm 2020 giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010”.
Trước thảm họa do chất thải nhựa, túi nilon gây ra, Việt Nam cần tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm; áp dụng biện pháp đánh thuế vào mặt hàng túi nilon. Đặc biệt là giảm thiểu tối đa hoặc cấm sử dụng các loại bao bì chỉ sử dụng một lần mà không tái sử dụng như túi nilon, ống hút. Đồng thời, phải có chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường; không khuyến khích sản xuất các sản phẩm nhựa, đặc biệt là các bao bì nhựa.
Bích Thuần (t/h)