Ông Lý Minh Hán - người có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là cố vấn cho bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong” - cho rằng việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện tình hữu nghị gắn bó giữa hai nước.
Quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, mong muốn phát triển lâu dài, ổn định, ngày càng hiệu quả
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ngay sau khi kết thúc Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc là sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đối với vị thế, vai trò quốc tế của Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta nhằm đề cao đường lối đối ngoại, trong đó khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, mong muốn phát triển lâu dài, ổn định, ngày càng hiệu quả, thực chất theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.
Ngày 18/1/1950 đã đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc như một mốc son quan trọng. Sau khi được thành lập không lâu, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong chặng đường 72 năm qua, hai Ðảng, hai nước và nhân dân hai nước đã dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.
Hơn 7 thập niên qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tuy có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính, tình hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Ðông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Ðặc biệt, kể từ khi bình thường hóa năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế ổn định và tích cực. Lãnh đạo hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Năm 1999, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI là: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Tháng 12/2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới. Sau đó, hai bên đã thỏa thuận đưa hai nước trở thành: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (tinh thần “4 tốt”). Đặc biệt, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 5/2008, hai bên nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là: "Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”.
Hợp tác trên kênh Đảng, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng ở Trung ương. Dù điều kiện đi lại giữa hai bên còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai bên vẫn duy trì kênh trao đổi thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, đạt hiệu quả cao. Từ năm 2020 - 2022, Tổng Bí thư hai Đảng đã 4 lần điện đàm (tháng 1/2020, tháng 9/2020, tháng 2/2021, tháng 9/2021). Hàng năm, hai Tổng Bí thư gửi quà và thư chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền của hai dân tộc và nhân dịp sinh nhật của nhau; gửi thư chúc mừng nhân dịp lễ quan trọng của hai nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình (tháng 5/2021). Thủ tướng Chính phủ hai bên có 3 lần điện đàm (tháng 6/2021, tháng 1/2022 và tháng 9/2022). Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc (tháng 6/2021).
Những hoạt động này đã góp phần định hướng chiến lược, tạo động lực và đảm bảo chính trị cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định. Tại các sự kiện chính trị quan trọng của hai Đảng, đặc biệt là dịp Đại hội XIII của Đảng ta và dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2021), hai bên đều có những hình thức chúc mừng đặc biệt, thể hiện sự coi trọng cao độ đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Lãnh đạo các ban Đảng ở Trung ương cũng duy trì trao đổi, tiếp xúc thường xuyên dưới nhiều hình thức linh hoạt. Bên cạnh đó, hai bên đã triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016 - 2020, Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai Đảng giai đoạn 2017 - 2020. Tháng 4/2022, hai bên đã ký kết Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2021 - 2025.
Hai bên thường xuyên phối hợp tổ chức Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, nhằm trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, quản lý đất nước. Đến nay, hai bên đã tổ chức được 16 cuộc Hội thảo lý luận.
Hợp tác trên kênh Nhà nước tiếp tục được thúc đẩy hiệu quả, thực chất. Quan hệ giữa các ngành như ngoại giao, quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. Hai bên đã thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc vào tháng 11/2006; đến nay đã tiến hành 14 phiên họp, đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Ở hai phiên gần đây nhất, hai bên đã khắc phục khó khăn do dịch bệnh, tổ chức thành công theo hình thức họp trực tiếp tại Hà Nội vào tháng 9/2021 và Nam Ninh (Trung Quốc) vào tháng 7/2022.
Hợp tác về đối ngoại nhân dân, giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào thực chất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Đến nay, hai bên đã tổ chức 3 cuộc Liên hoan Thanh niên Việt – Trung; tổ chức được 19 cuộc “Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc” bằng hình thức trực tiếp. Năm 2021 và 2022, hai bên đã tổ chức giao lưu, gặp gỡ hữu nghị thanh niên hai nước bằng hình thức trực tuyến. Cùng với đó là nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác giữa thanh niên các địa phương hai nước, nhất là các địa phương biên giới.
Ngoài ra, hai bên cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu khác như Liên hoan nhân dân biên giới Việt - Trung, Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc... Các hoạt động này đã góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.
Hợp tác giữa các địa phương của hai nước, nhất là các tỉnh, khu biên giới được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và có nhiều tiến triển tích cực. Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang và Quảng Ninh (Việt Nam) với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) được tổ chức luân phiên hàng năm. Hội nghị trực tuyến giữa Bí thư các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, góp phần tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc nói chung và các tỉnh, khu biên giới nói riêng, thúc đẩy giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển. Cùng với đó, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các diễn đàn đa phương tiếp tục được tăng cường.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đạt mức tăng trưởng mạnh. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến thương mại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN (từ năm 2016), nước đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới (từ năm 2020) của Trung Quốc.
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung đạt 117,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021. Về đầu tư, lũy kế đến ngày 20/8/2022, Trung Quốc đứng thứ 6/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.453 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 22,42 tỷ USD. Riêng 8 tháng của năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4/94 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 143 dự án, tổng vốn đạt 1,4 tỷ USD.
Hợp tác y tế, đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19 là một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam. Đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 7,3 triệu liều và cung cấp thương mại khoảng 45 triệu liều vaccine. Tại Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương vào tháng 7/2022 vừa qua, Trung Quốc thông báo sẽ viện trợ thêm cho Việt Nam 10 triệu liều vaccine. Một số địa phương Trung Quốc như: Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông... cũng ủng hộ lượng lớn vật tư y tế cho các địa phương Việt Nam. Trung Quốc cũng bày tỏ, nếu Việt Nam có nhu cầu, sẵn sàng ưu tiên đáp ứng tối đa trong khả năng có thể, bao gồm hợp tác về cung ứng và sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19, xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cơ sở điều trị. Vừa qua, thông qua kênh Đảng, Trung Quốc tặng Việt Nam lô vật tư y tế trị giá 1,5 triệu Nhân dân tệ (khoảng 5,4 tỷ đồng).
Về biên giới lãnh thổ, tình hình biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định. Hợp tác ở Vịnh Bắc Bộ diễn ra khá thường xuyên, như tuần tra liên hợp nghề cá, tuần tra chung hải quân, thả cá giống bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Vịnh Bắc Bộ... Hai bên tiếp tục triển khai các vòng đàm phán cấp Chính phủ và cấp chuyên viên theo các cơ chế đã thỏa thuận.
Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục duy trì trao đổi, đàm phán ở các cấp về vấn đề trên biển, đạt tiến triển nhất định trong lĩnh vực hợp tác ít nhạy cảm. Hai bên ký Thỏa thuận hợp tác về Dự án nghiên cứu so sánh môi trường địa chất và tai biến địa chất khu vực châu thổ sông Hồng, châu thổ sông Trường Giang; cam kết tiếp tục thúc đẩy, sớm đạt nhất trí đối với Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn và Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển Việt Nam - Trung Quốc.
Những thành tựu đạt được trong việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua thể hiện mong muốn của nhân dân hai nước không ngừng vun đắp tình hữu nghị Việt - Trung, tài sản quý giá của hai dân tộc. Những thành tựu to lớn mà nhân dân hai nước giành được trong đổi mới, cải cách mở cửa cùng những đóng góp hiệu quả của hai nước vào các vấn đề quốc tế và duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực.
Chuyến thăm chính thức nước CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta lần này góp phần củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa hai đảng, làm định hướng cho quan hệ giữa hai nước; tăng cường quan hệ trên các kênh Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; tạo chuyển biến mới, tích cực trong hợp tác bình đẳng, cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác; nâng cao hợp tác quốc phòng-an ninh, tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế; phát triển quan hệ giữa các tổ chức quần chúng, giao lưu nhân dân.
Chuyến thăm cũng củng cố nhận thức chung cấp cao về kiểm soát bất đồng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; giữ gìn hòa bình ở Biển Đông, thúc đẩy đàm phán về các vấn đề trên biển trong khuôn khổ song phương và ASEAN; thúc đẩy sự tôn trọng các lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Chuyến thăm nhằm triển khai tích cực, mạnh mẽ đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng ta, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tin cậy chính trị giữa hai Đảng Cộng sản, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; đồng thời củng cố quan hệ giữa hai đồng chí Tổng Bí thư và lãnh đạo cấp cao hai nước, phấn đấu đưa quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới, góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Chuyến thăm cũng khẳng định sự ủng hộ vị trí của Đảng Cộng sản Trung Quốc là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, những tư tưởng và đường lối phát triển của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc có lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển; vị trí “hạt nhân lãnh đạo” của Tổng Bí thư Tập Cận Bình được Đảng Cộng sản Trung Quốc xác lập; thúc đẩy chính sách của Trung Quốc về hữu nghị, hợp tác với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam phát triển, có vị thế quốc tế ngày càng cao, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khẳng định mối quan hệ thân thiết, gắn bó giữa hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước
Ông Lý Minh Hán - người có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là cố vấn cho bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong” - cho rằng việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc càng khẳng định mối quan hệ thân thiết, gắn bó giữa hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông dày công vun đắp.
Ông Lý Minh Hán cho biết bản thân ông và vợ của ông đều từng học tiếng Việt tại trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, nhạc phụ của ông cũng từng vinh dự được nấu cơm mời Bác Hồ trong thời gian công tác tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội. Ông cho rằng đây là cơ duyên khiến ông có niềm đam mê tìm hiểu về cuộc đời của Bác Hồ, về chặng đường hoạt động, về sự hy sinh cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo tiền bối của hai nước đã chung tay gây dựng nên mối quan hệ hữu nghị truyền thống sâu sắc Việt Nam-Trung Quốc. Đến nay, mối quan hệ truyền thống đó trở thành tài sản quý báu mà hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đang giữ gìn, vun đắp, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, lâu bền.
Theo ông Lý Minh Hán, tình hình thế giới hiện đang có những thay đổi nhanh chóng, sâu sắc, thậm chí xuất hiện nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, nhưng hai nước Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục tăng cường tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tìm kiếm điểm tương đồng, gác lại những khác biệt, đưa quan hệ Trung - Việt tiếp tục phát triển. Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc luôn coi trọng và gìn giữ tài sản quý báu của tình hữu nghị truyền thống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ tiền bối đã dày công vun đắp, đồng thời không ngừng xây đắp quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Ông tin tưởng rằng chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo dấu mốc quan trọng, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị Việt – Trung, đóng góp cho sự nghiệp vĩ đại của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
Nói về ý nghĩa và tầm quan trọng chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hứa Lợi Bình - Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều này thể hiện đầy đủ tính đặc thù và tầm quan trọng của quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước. Năm 2017, sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quốc gia đầu tiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến thăm là Việt Nam. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tình hữu nghị truyền thống của quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước.
Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là quốc gia xã hội chủ nghĩa, đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, kiên trì đường lối độc lập tự chủ, cùng ủng hộ lẫn nhau trong việc tìm kiếm con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của mỗi nước.
Ông Hứa Lợi Bình nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có ảnh hưởng quan trọng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nhà nước, làm phong phú nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam, mà còn có lợi cho việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Trung Quốc với ASEAN.
Ông Hứa Lợi Bình cho rằng trong thời gian đại dịch COVID-19, quan hệ hai Đảng, hai nước không hề bị ảnh hưởng, mà còn được nâng tầm, điều này thể hiện rõ sự bền bỉ và sức sống của mối quan hệ. Hai bên đã phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chung tay ứng phó dịch bệnh, hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực vaccine, vật tư phòng dịch, công nghệ chẩn đoán và điều trị.
Hiện nay, hai Đảng đã xây dựng cơ chế giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực nghiên cứu lý luận, đào tạo cán bộ, hợp tác giữa cấp ủy các địa phương, tích cực trao đổi kinh nghiệm quản trị đất nước, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, tăng cường định hướng dư luận.
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Điều này thể hiện đầy đủ tiềm năng của thương mại Trung - Việt. Từ năm 2019 đến năm 2020, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam. Đến năm 2021, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 của Việt Nam.
Đánh giá về hợp tác kênh Đảng, ông Hứa Lợi Bình nhấn mạnh giao lưu kênh Đảng có vai trò định hướng quan hệ Trung - Việt. Ông bày tỏ hy vọng quan hệ hai Đảng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác từ góc độ chính trị và chiến lược. Trong tương lai, hai bên có triển vọng hợp tác rộng mở trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, phát triển xanh, điện mặt trời, năng lượng sạch... Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực, hai nước có tiềm năng mạnh mẽ trong các lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử, hợp tác xuyên biên giới.