Việt Nam được hỗ trợ 300 triệu USD để tiếp cận thị trường và bảo vệ rừng

Yến Nhi|23/06/2017 08:53
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hai dự án mới sẽ nhận khoản tài trợ này gồm Dự án Tăng cường Kết nối Giao thông khu vực Tây nguyên và Dự án Hiện đại hoá ngành Lâm nghiệp và Tăng cường tính chống chịu vùng ven biển.

Việt Nam được hỗ trợ 300 triệu USD để tiếp cận thị trường và bảo vệ rừng, ảnh minh họa

Ngân hàng Thế giới mới phê duyệt một khoản tài trợ 300 triệu USD giúp Việt Nam tăng cường kết nối giao thông ở những vùng nông thôn và bảo vệ rừng tại 8 tỉnh ven biển, thông tin trên VnMedia.

“Đầu tư vào các dự án bền vững môi trường chính là đầu tư vào tương lai của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới hoàn toàn ủng hộ Việt Nam trong những nỗ lực tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp,” ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu.

Một nửa số vốn sẽ dành cho dự án tăng cường kết nối giao thông nhằm cải tạo 142 km đường  quốc lộ 19, nâng cao an toàn giao thông và khả năng ứng phó thiên tai.  Khi dự án được hoàn thành người dân tại hai tỉnh Bình Định và Gia Lai sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường hơn, giảm được thời gian đi lại và tăng mức độ an toàn giao thông. Sau khi được cải tạo, đường quốc lộ này dự kiến sẽ đủ năng lực phục vụ 6.200 xe cơ giới hạng nhẹ mỗi ngày.

Khoản 150 triệu USD còn lại sẽ giúp quản lý rừng ven biển tại các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh và Hải Phòng. Công tác phục hồi và bảo vệ rừng sẽ tạo việc làm mới cho người dân tại hơn 900 cộng đồng thuộc 257 xã thuộc 8 tỉnh trong địa bàn dự án. Ngoài ra dự án cũng tạo thêm cơ hội phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng thuỷ sản.

Vốn dành cho hai dự án này được vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế, là nguồn vốn dành cho các nước thu nhập thấp của Ngân hàng Thế giới.

Yến Nhi


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam được hỗ trợ 300 triệu USD để tiếp cận thị trường và bảo vệ rừng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.