Việt Nam – Hà Lan: Xây dựng hình mẫu hợp tác ứng phó Biến đổi khí hậu

Theo Monre.gov|20/07/2017 02:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hơn 6 năm xây dựng quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Hà Lan, hai bên đã biến thách thức trong ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) thành cơ hội hợp tác song phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý tài nguyên nước, giáo dục đào tạo.

Việt Nam – Hà Lan hợp tác xây dựng hình mẫu hợp tác ứng phó Biến đổi khí hậu

Trong những năm qua, hai nước ngày càng mở rộng trao đổi, xúc tiến các nội dung hợp tác mới trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và thế mạnh truyền thống của Hà Lan. Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 6 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng BĐKH và quản lý nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng nhấn mạnh, hiệu quả từ mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Hà Lan có thể trở thành tiêu biểu cho hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH, đặc biệt, Kế hoạch ĐBSCL sẽ là hình mẫu cho các nước trong khu vực học tập.

Hoạt động nổi bật nhất trong những năm đầu hợp tác giữa hai nước là việc hoàn thiện Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bản kế hoạch với tầm nhìn dài hạn đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tập trung giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với BĐKH có tính đến tất cả tình huống giả thuyết trên nền các kịch bản BĐKH khác nhau. Từ đó, xây dựng Chiến lược phát triển để ĐBSCL trở thành một khu vực kinh tế phát triển và an toàn, dựa trên lợi thế tự nhiên của vùng.

Theo Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Nienke Trooster, Hà Lan chú trọng hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm các giải pháp “không hối tiếc” cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Làm sao để tăng tính thích ứng về lâu dài và phù hợp với điều kiện của các địa phương, có lộ trình và mang tính tổng hợp, tổng thể, liên vùng. Hai nước đang tạo ra các nguyên tắc phát triển và khuôn khổ chung cho các đối tác quốc tế trong hợp tác giải quyết thách thức về BĐKH.

Kinh nghiệm từ hàng thế kỷ chiến đấu với nước biển dâng đã giúp người dân Hà Lan đúc rút ra Chương trình Đồng bằng với tầm nhìn đến năm 2050, được cập nhật hằng năm nhằm mục tiêu phòng tránh lũ lụt, bảo đảm cung cấp nước ngọt cho nông nghiệp, công nghiệp và tự nhiên, quy hoạch không gian sống thích ứng với BĐKH.

Theo ông Hermen Borst – Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, quy hoạch tổng thể dài hạn cần tính đến nhu cầu về nước của tất cả các lĩnh vực. Quá trình ra chính sách phải dựa trên các số liệu phân tích cụ thể, cách tiếp cận linh hoạt với nhiều kịch bản liên quan đến BĐKH; thu xếp tài chính hằng năm và dài hạn; xây dựng hệ thống quản lý tốt từ Trung ương đến địa phương gồm tất cả các bên có lợi ích liên quan. Ông cho rằng, đây là những kinh nghiệm có giá trị mà Việt Nam có thể tham khảo áp dụng cho các vùng đồng bằng của mình.

Tại các cuộc gặp gỡ cấp cao thời gian gần đây, lãnh đạo Chính phủ hai nước đã thống nhất, giai đoạn tới, sẽ cập nhật và hoàn thiện Kế hoạch trên trong bối cảnh thay đổi lớn về chế độ dòng chảy sông Cửu Long, xâm nhập mặn, sạt lở ven sông, ven biển; tái cấu trúc và xây dựng liên kết vùng, tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp. Các Bộ, ngành, địa phương liên quan sẽ chủ động triển khai các chương trình, dự án đã được thông qua, khẩn trương xây dựng quy hoạch vùng thích ứng BĐKH tại ĐBSCL.

Đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng, hai bên hợp tác tăng cường năng lực quản lý các hồ chứa, xây dựng bộ công cụ quản lý các hồ chứa đa mục đích cho toàn vùng châu thổ, sử dụng công nghệ quan trắc viễn thám theo dõi lượng mưa, dòng chảy để chủ động trước các tình hình thiên tai. Bên cạnh đó, Dự án Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn 2050 chuẩn bị được triển khai sẽ góp phần quản lý nguồn nước, đất đai và tài nguyên.

Về hợp tác địa phương, TP. Rotterdam và TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh Chương trình “TP. Hồ Chí Minh phát triển hướng về phía biển, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Theo đó, Rotterdam có thể hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác của Việt Nam trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng cảng, đào tạo hàng hải, dịch vụ logistics, đối phó với triều cường và ngập lụt đô thị. Thông qua Quỹ Phát triển hạ tầng và Chương trình Nước bền vững, Hà Lan đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng các hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở 2 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Ninh Thuận cùng 1 hệ thống cấp nước tại tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, còn có Chương trình hợp tác giữa Hà Nội và Amsterdam liên quan đến quản lý và cải thiện môi trường đô thị.

Hà Lan đã đầu tư hơn 10 triệu Euro tăng cường giáo dục sau phổ thông của Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng các chương trình giảng dạy về quản lý nước và các môn liên quan đến BĐKH ở các cấp học cao hơn. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo nghiên cứu chặt chẽ với các đối tác Hà Lan.

Theo Monre.gov

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam – Hà Lan: Xây dựng hình mẫu hợp tác ứng phó Biến đổi khí hậu