Hà Lan, với tư cách Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 10, đã tổ chức thảo luận không chính thức về “Nước, Hòa Bình và An ninh” tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).
>>>Khủng hoảng rác thải nhựa trên thế giới
>>>Gần 1 triệu người châu Âu tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an. (Nguồn: THX/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại New York, phát biểu tại phiên thảo luận, Hà Lan và các nước tham gia đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng Bảo an là ngăn ngừa xung đột, trong đó có xung đột xuất phát từ tranh chấp tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước; con số 2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nguồn nước an toàn và 4,5 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch; thiếu nước và cạnh tranh nguồn nước đã dẫn đến căng thẳng, nội chiến, xung đột và bất ổn tại nhiều nơi trên thế giới.
Trong xung đột, nguồn nước và hạ tầng cấp nước thường là mục tiêu bị tấn công và được sử dụng như những công cụ chiến tranh. Với nhu cầu nước sạch tăng hơn 40% đến giữa thế kỷ này, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, việc hợp tác quản lý, sử dụng các nguồn nước chung, ngăn ngừa các xung đột xuất phát từ tranh chấp nguồn nước ngày càng trở nên cấp thiết.
Về giải pháp, các nước cho rằng Hội đồng Bảo an cần tăng cường trách nhiệm về giải quyết các thách thức trên, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác xuyên biên giới về nước như một phần của ngoại giao phòng ngừa; các nước cần biến những thách thức về nguồn nước thành những cơ hội hợp tác; cần chia sẻ thông tin, cảnh báo sớm và có các biện pháp ứng phó sớm; cần chú trọng dự báo, chuẩn bị và ngăn ngừa; Liên hợp quốc cần tăng cường vai trò của mình về thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục số 6 về Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người.
Ngoài ra, cần thúc đẩy hợp tác về nước thông qua các cơ chế đa phương, như UN-Water, Nhóm Công tác cấp cao toàn cầu về nước và Hòa bình; tôn trọng các khuôn khổ luật pháp quốc tế về nước, trong đó có Công ước năm 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia có mục đích phi giao thông thủy.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Phạm Thị Kim Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York, đã nhấn mạnh: “Như nhiều nơi khác trên thế giới, khu vực Đông Nam Á chứa nhiều nguồn nước xuyên quốc gia. Do các nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là biến đổi khí hậu, ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước, việc sử dụng không bền vững, phân bổ không hợp lý nguồn nước nếu không được quản lý tốt có thể dẫn đến các nguy cơ về an ninh đối với khu vực.”
Đại sứ Phạm Thị Kim Anh khẳng định, là nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nước xuyên biên giới, Việt Nam tin rằng hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các nước ven sông là giải pháp duy nhất để giải quyết các thách thức và ngăn ngừa các nguy cơ về xung đột nguồn nước; hiện khu vực này đã có các cơ chế hợp tác hiệu quả, như Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và Hợp tác tại Ủy hội Mekong quốc tế (GMS); trong tương lai, các nước liên quan cần xem xét xây dựng các khuôn khổ hợp tác và Bộ quy tắc ứng xử về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước, đảm bảo lợi ích của các nước thượng nguồn và hạ lưu.
Đại sứ Phạm Thị Kim Anh cũng bày tỏ Việt Nam mong muốn các nước cần chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và tăng cường hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần tăng cường nỗ lực, ủng hộ việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy.
TTXVN