Gần 60 năm qua, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam liên tục giảm từ 6,39 con năm 1960 xuống còn 2,09 con năm 2006 (các nhà khoa học tính toán số con đủ thay thế cho người mẹ trong suốt cuộc đời họ là 2,1 con). Liên tục từ đó đến nay, 13 năm qua, Việt Nam luôn ở mức sinh thay thế.
Trong hơn 26 năm qua (từ Nghị quyết TW 4 khóa VII), Việt Nam đã hạn chế việc tăng thêm gần 27 triệu người (tương đương với dân số của 27 tỉnh có quy mô dân số trung bình ở nước ta hiện nay) nếu không thực hiện kế hoạch hóa gia đình (theo dự báo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc năm 1990, dân số Việt Nam sẽ đạt mức 121 triệu người vào năm 2017 nếu không có tiến bộ trong công tác DS-KHHGĐ). Điều đó có ý nghĩa hết sức to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, nâng cao các chỉ số sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.
Ảnh minh họa
Hiện tại, tỷ lệ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 2009 – 2019 là 1,44%/năm. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, với mức độ sinh ổn định, bền vững như vậy, Việt Nam không cần tiếp tục kiểm soát tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này chưa phản ánh đúng bản chất mức sinh ở nước ta không đồng đều theo từng vùng. Trong “bức tranh” chung về mức sinh còn rất nhiều “mảng màu” khác biệt.
Năm 2020, công tác dân số tiếp tục đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020 gồm: Dân số trung bình đạt 97,3 triệu người; tỷ lệ tăng dân số là 1,14%; tổng tỷ suất sinh 2,1%; tỷ số giới tính khi sinh 111,3 bé trai/100 bé gái sinh sống; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 68%; 50% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; 80% trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh; số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn giảm 10% so với năm 2019. Số người cao tuổi được khám sức khoẻ định kì ít nhất 1 lần/năm và số cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn tăng 10% so với năm 2019…
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2020, ngành Dân số – Kế hoạch hóa gia đình xác định tiếp tục xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật về dân số – kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi; hướng dẫn, đôn đốc theo dõi các địa phương, đơn vị thực hiện mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng dân số, cơ cấu dân số. Mặt khác, toàn ngành tiến hành cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình và đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai; củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu điện tử…
Minh Anh (t/h)