Việt Nam: Xâm nhập mặn gây thiệt hại 2,3% GDP mỗi năm

Minh Anh|07/08/2020 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nếu nước biển dâng cao thêm 1m, khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn; khoảng 85% người dân vùng ĐBSCL cần được hỗ trợ về nông nghiệp.

Thích nghi với sự biến đổi khí hậu chưa bao giờ là dễ dàng, diễn biến phức tạp của môi trường đang đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia, đặc biệt là đối với Việt Nam. Theo sự đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia bị tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.

Nước ta phát triển nhờ vào nông nghiệp là chủ yếu và nền nông nghiệp nước ta vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khí hậu tự nhiên. Nhiều sự biến đổi như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết thất thường… đang xảy ra nhiều hơn và ngày càng rõ rệt hơn. Những thay đổi này dẫn đến sự tổn thương kinh tế nông nghiệp.

An ninh nguồn nước đang là vấn đề nóng mang tính toàn cầu.

Nếu nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp can thiệp hữu hiệu thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL mất đi khả năng canh tác. Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…

Phần lớn diện tích đất trồng vùng ĐBSH và ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, do đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở ĐBSCL và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng ĐBSCL cần được hỗ trợ về nông nghiệp.

Hệ thống thủy lợi của Việt Nam có lịch sử phát triển tương đối dài, công trình thủy lợi đầu tiên được xây dựng ngay từ thời kỳ phong kiến. Nhiều hệ thống thủy lợi lớn ở Bắc Bộ, Trung Bộ đã được người Pháp xây dựng như cống Liên Mạc, đập Bái Thượng… Tiếp đến, hàng loạt công trình thủy lợi quan trọng tiếp tục được đầu tư xây dựng sau năm 1945 ở miền Bắc và sau khi đất nước thống nhất năm 1975.

Thời gian gần đây, nhiều hệ thống công trình thủy lợi quy mô lớn đã và đang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ODA như các hồ chứa nước Cửa Đạt, Bản Mồng, Sông Sào, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Định Bình, Tân Mỹ, Bản Lải; hệ thống thủy lợi Phan Rí – Phan Thiết, Phước Hòa, Easup Thượng, Quản Lộ – Phụng Hiệp… đã đáp ứng tốt cho các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Minh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam: Xâm nhập mặn gây thiệt hại 2,3% GDP mỗi năm