Sự phát triển của các HTX nông nghiệp đã góp phần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả giữa người dân với doanh nghiệp, thị trường; tạo ra sức cạnh tranh hàng hóa và chuỗi giá trị nông sản, đồng thời nâng cao hiệu quả trong bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh nhiều loại nông sản chưa tìm được đầu ra ổn định thì người dân xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng) đã phần nào yên tâm vì trong nhiều năm qua, HTX nông nghiệp và dịch vụ Vĩnh Thuận đã đảm nhận khá tốt vai trò là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp.
HTX Vĩnh Thuận có 75 thành viên sản xuất lúa trên diện tích 513ha. Trong đó, 65 thành viên chuyên sản xuất lúa và 10 thành viên chuyên thực hiện các dịch vụ liên quan đến sản xuất lúa. Trong số diện tích 513ha, có 120ha lúa giống theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, trong đó, phần lớn diện sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Đặc biệt, HTX có khoảng 5ha sản xuất gạo đỏ, gạo tím và huyết rồng theo hướng hữu cơ. Các sản phẩm này hiện rất hút hàng, có giá cao trên thị trường. Ngoài sản xuất lúa theo hướng an toàn, thời gian gần đây, HTX còn tập huấn cho thành viên trồng rau theo hướng hữu cơ để cung cấp ra thị trường.
Ảnh minh họa
Đến nay, HTX còn đầu tư xây dựng cửa hàng bán nông sản an toàn. Hiện tại, điểm bán nông sản an toàn của HTX Vĩnh Thuận bán gạo trắng an toàn các loại với giá từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg, gạo tím và gạo huyết rồng đồng giá 30.000 đồng/kg. Ngoài ra còn bán các loại rau do HTX sản xuất.
Tương tự như HTX Vĩnh Thuận, HTX Rau, củ quả Khánh Hậu (Tp.Tân An) có diện tích 12,2ha. HTX chuyên sản xuất các mặt hàng rau, củ, quả gồm cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách, khổ qua, dưa leo, cà chua, đậu bún,…
Để tránh tình trạng bán nhỏ lẻ ở các chợ truyền thống, HTX đã ứng dụng sản xuất nông sản theo hướng công nghệ cao. Hướng đi này cũng giúp HTX tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Với việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn, hữu cơ hay công nghệ cao giúp người dân kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới cũng như tình hình sâu bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn đảm bảo chất lượng, màu sắc của sản phẩm, trọng lượng đồng đều.
Đặc biệt, những mô hình canh tác sạch chú trọng phòng trừ sâu bệnh đúng yêu cầu kỹ thuật, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ nông nghiệp được nâng cao. Nông sản từ đó cũng được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ mạnh. Điều đó cho thấy phát triển trồng trọt gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu cần phải triển khai.
Để nhân rộng và phát triển mô hình trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn GAP, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long tập trung xây dựng liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn GAP với thị trường tiêu thụ, hình thành kênh tiêu thụ riêng để giá bán ổn định và phân biệt với các sản phẩm thông thường khác. Tăng cường quảng bá vùng sản xuất và sản phẩm đến các doanh nghiệp chế biến, các siêu thị, trung tâm thương mại, xây dựng hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp để bảo đảm cung ứng hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn chất lượng là định hướng đúng đắn và phù hợp xu hướng phát triển của thị trường khi hội nhập quốc tế
Theo Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long, hiệu quả thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã tạo ra sự khác biệt với cách làm cũ, không chỉ thay đổi các hộ thành viên mà nhiều nông dân trên địa bàn các HTX đã có sự thay đổi rõ nét về nhận thức và kỹ thuật sản xuất.
Minh Anh (t/h)