Vĩnh Phúc tăng cường tích nước, bảo đảm an toàn hồ đập mùa mưa lũ
Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị vận hành hồ đập trên địa bàn thực hiện nghiêm phương án tích nước, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành quyết định về phương án tích nước và giải pháp bảo đảm an toàn đối với đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối với các hồ chứa nước lớn như hồ Đại Lải, xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên); hồ Vĩnh Thành, hồ Làng Hà, hồ xạ Hương, hồ Bản Long (Tam Đảo)... cần tích nước theo quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước.

Đối với các hồ có tràn tự do thực hiện tích nước đến cao trình tràn tự do. Đối với các hồ không có tràn tự do, tích nước ở mức phù hợp đảm bảo nhu cầu sử dụng nước và thực hiện điều tiết nước qua cống khi có mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Để bảo đảm an toàn đối với đập, hồ chứa nước, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc việc vận hành, đảm bảo an toàn công trình; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi: Liễn Sơn, Phúc Yên, Lập Thạch, Tam Đảo thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Tiếp tục triển khai các hoạt động của Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh và tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường theo quy định.
UBND các huyện, thành phố: Tam Đảo, Lập Thạch, Bình Xuyên, Sông Lô, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Tam Dương chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp tốt với các Công ty TNHH MTV Thủy lợi liên quan và có kế hoạch chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện dự phòng theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa.
Các Công ty TNHH MTV Thủy lợi: Liễn Sơn, Phúc Yên Lập Thạch, Tam Đảo thực hiện phương án tích nước và giải pháp bảo đảm an toàn đối với đập, hồ chứa nước trên địa bàn theo quy định; căn cứ tình hình dự báo khí tượng thủy văn, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, các thông tin liên quan để vận hành hồ chứa theo diễn biến thực tế, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình; xử lý kịp thời các hư hỏng phát sinh; bố trí các điều kiện cần thiết để thực hiện các phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp (nhân lực, vật tư, phương tiện,…), sẵn sàng ứng phó với các tình huống mưa lũ bất thường (trong cả mùa lũ và mùa kiệt) bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.