Vườn quốc gia Tràm Chim vắng bóng sếu đầu đỏ

Huyền Thương|15/12/2020 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đàn sếu đầu đỏ về Kiên Giang, Đồng Tháp từ vài trăm đến hơn 1.000 con, khoảng 20 năm trước, nay chỉ vài cá thể ghé qua, thậm chí không đáp xuống.

Tràm Chim, có diện tích tự nhiên 7.313 ha, nằm lọt thỏm giữa vùng đất trũng ngập nước Đồng Tháp Mười, thuộc địa phận huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Tràm Chim được biết đến là nơi cư trú loài chim sếu đầu đỏ nổi tiếng trên thế giới cùng nhiều loài chim quý hiếm như: ngan cánh trắng, cốc đế, giáng sen, bồ nông chân xám, già sói,…

Vùng đất ngập nước đặc thù của Tràm Chim cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài cá nằm trong sách đỏ Việt Nam (năm 2007) như: cá còm, cá mang hổ, cá ngựa nam, cá duồng bay, cá ét mọi, cá hô…

Tuy nhiên, những năm qua, hệ sinh thái tại Tràm Chim đảo lộn khiến số lượng sếu đầu đỏ về đây giảm đến mức báo động. Thậm chí năm nay chúng không còn bay về kiếm ăn.

Hàng năm, sếu đầu đỏ kéo về vùng Tràm Chim từ tháng 12 đến tháng 7, đông nhất là vào tháng 3. Đây là khoảng thời gian của cả mùa khô và đầu mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long, người dân bản địa gọi khoảng thời gian này là những ngày hội của sếu. Sau thời gian này, sếu đầu đỏ tạm biệt Tràm Chim để trở về nơi trú ngụ và sinh nở trước đó tại Campuchia, Lào, Thái Lan.

Năm nay sếu đầu đỏ không còn bay về Tràm Chim. (Ảnh: Internet)

Nhưng không ai có thể ngờ rằng, quy luật tự nhiên rồi cũng thay đổi bởi ngay cả mùa khô, mùa mưa xứ này cũng khác. Và những đàn chim di trú đi về đây làm tổ cũng đã thưa thớt, ít đi rất nhiều trong những năm qua.

Đàn sếu sẽ biến mất ở các khu bảo tồn ở Việt Nam, đó là lo ngại của các nhà khoa học do diện tích cư trú của chúng ngày càng bị đe dọa và thu hẹp. Năm nay, sếu đầu đỏ đã không còn xuất hiện ở Tràm Chim khiến nhiều người lo ngại.

Sếu đầu đỏ còn có tên gọi là sếu cổ trụi hay sếu lớn Phương Đông (tên khoa học: Grus antigone). Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới (Sách đỏ IUCN), nên được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sếu đầu đỏ rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Sếu trưởng thành cao khoảng 150-180cm, sải cánh từ 220-250cm, trọng lượng trung bình 8-10kg. Chúng có chế độ ăn tạp, có thể ăn các thức ăn thô thường gặp tại đầm lầy và các vùng nước nông như rễ, củ cây, côn trùng, động vật giáp xác và một số loài thú có vú nhỏ.

Theo thống kê của Hội sếu quốc tế, sếu đầu đỏ phương Đông hiện nay còn khoảng dưới 1.000 con. Với tình trạng sinh cảnh sống bị thu hẹp do con người xâm lấn, biến đổi khí hậu làm cạn kiệt nguồn nước, cạn kiệt nguồn thức ăn đã và đang dần đẩy loài chim quý hiếm này đến bờ vực tuyệt chủng.

Những can thiệp của con người đã tác động tiêu cực đến sự đa dạng sinh học đặc trưng ở nơi đây. Đàn sếu cũng vì thế mà mỗi mùa lại phải dáo dác đi tìm nơi trú chân mới.

Để giữ chân đàn sếu, Chính phủ Việt Nam, các tổ chức bảo tồn và các nhà tài trợ đã cùng hành động để cải thiện môi trường sống của của các loài chim nước, chim di cư và sếu đầu đỏ. Nhiều dự án đã được xây dựng nhằm bảo tồn và phục hồi sinh cảnh đất ngập nước, hạn chế các mối đe dọa đối với sếu đầu đỏ và các loài chim nước ở những điểm dừng chân của sếu như Tràm Chim, Láng Sen, Kiên Lương… với ngân sách lên tới hàng triệu USD.

Mặc dù vậy, việc kiến tạo lại sinh cảnh cho loài sếu đầu đỏ, biểu tượng một thời của Đồng Tháp Mười hiện đang gặp quá nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Hoàng Minh Hải – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim cho hay, không rõ sếu sống ở Tràm Chim từ khi nào, nhưng khoảng 34 năm trước, đàn sếu tại đây đã trên 1.000 con.

Sự suy giảm quần thể sếu có rất nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do mất sinh cảnh sống

Sau năm 1986, đoàn chuyên gia do Tiến sĩ Lê Diên Dực (hiện là Giáo sư), giảng viên Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội đến khảo sát. Nhận thấy đây là nơi bảo tồn được đàn sếu với số lượng lớn, trước nguy cơ loài chim quý này đang sắp tuyệt chủng toàn cầu, một hội nghị giữa các tổ chức môi trường trong và ngoài nước với tỉnh Đồng Tháp được tổ chức sau đó để bàn giải pháp bảo tồn dài hạn.

Sếu đầu đỏ có đặc điểm nổi bật, phần đầu, cổ của chúng trụi lông và có màu đỏ. Vằn trên cánh và đuôi một màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu màu xanh sừng, chân đỏ; chim non lông màu sẫm hơn. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m; sải cánh 2,2 – 2,5 m và có trọng lượng 8-10 kg.

Theo ông Hải, sếu sinh sản tại Campuchia từ tháng 9 đến tháng 11, 12. Tại Tràm Chim, chúng xuất hiện từ tháng 12 đến tháng 4, tháng 5, khi có mưa nhiều, sếu bắt đầu bay đi. Sếu sống theo gia đình 3-4 con, thường từ một đến 1,5 tuổi, chim con bắt đầu tách bầy và vòng đời có thể lên đến 40 năm.

21 năm trước, các chuyên gia đã gắn thiết bị theo dõi đường bay một số cá thể sếu làm dữ liệu nghiên cứu. Trước nhiều nỗ lực bảo tồn, nhưng theo từng năm, sếu bắt đầu về Tràm Chim giảm dần, năm 2015: 21 con, 2016: 14 con, 2017: 9 con , 2018: 11 con, 2019: 11 con.

Ông Hải cho biết, mỗi năm từ tháng 1 đến tháng 4, mùa khô nhưng nền đất vẫn đủ độ ẩm cho củ năng phát triển, là món khoái khẩu của sếu, ngoài ốc, cua, cá, chuột. Nếu có mưa trái mùa, bãi năn sẽ bị ngập úng, hoặc nắng gắt kéo dài, đất cứng năn cũng không phát triển. Trước đây, Tràm Chim ít kênh rạch, phèn còn nhiều nên năn phát triển tốt, bãi năn khi đó ít nhất phải vài nghìn ha. Những năm gần đây, người dân khai phá đất trồng lúa, diện tích năn giảm, hiện chỉ còn khoảng 300 ha. Ngoài ra, nước lũ về ít, không rửa trôi được các bả thực bì, đồng thời giảm lượng thủy sản là thức ăn chính của chim.

Huyền Thương

Bài liên quan
  • Sếu đầu đỏ bỏ miền Tây
    Moitruong.net.vn – Đàn sếu đầu đỏ về Kiên Giang, Đồng Tháp từ vài trăm đến hơn 1.000 con, khoảng 20 năm trước, nay chỉ vài cá thể ghé qua, thậm chí không đáp xuống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn quốc gia Tràm Chim vắng bóng sếu đầu đỏ