Sếu đầu đỏ về đồng cỏ bàng Phú Mỹ ở Kiên Giang năm 2019. Ảnh: Trung Hưng
Mùa khô năm nay, số lượng sếu đầu đỏ về rất ít, thậm chí nhiều tháng không thấy bóng dáng loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ này. Ông Lâm Hoàng Tuấn, Phó giám đốc Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ, huyện Giang Thành tỉnh Kiên Giang xác nhận: “Đợt sếu về nhiều nhất hồi đầu tháng 5 chưa tới 10 con, mà chúng cũng chỉ ghé qua thời gian ngắn rồi quay lại khu bảo tồn Khu bảo tồn Anlung Pring (huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot, Campuchia) – cách đó khoảng bốn km đường chim bay”.
Thời điểm sếu về khu vực này nhiều nhất là năm 2003, với hơn 500 con. Năm 2016, khu bảo tồn được thành lập, có tổng diện tích gần 2.900 ha. Trong đó, vùng lõi 1.200 ha được quy hoạch để bảo vệ đồng cỏ bàng, là nơi giữ môi trường để sếu đầu đỏ về sinh sống hàng năm. Vùng đệm gần 1.700 ha là nơi tập trung phát triển an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư. Sau đó chỉ có khoảng 120 con sếu về kiếm ăn, rồi giảm dần. Đến mùa khô 2019 chỉ còn 54 con.
Cách đó khoảng 150 km về hướng Bắc, tại vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, từ tháng 12/2019 đến nay, hầu như vắng bóng sếu đầu đỏ về kiếm ăn, sinh sống.
“Chỉ có vài con bay về thăm, nhưng chúng không đáp xuống ăn mà lượn mấy vòng rồi đi mất”, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc đơn vi nói. Ông đang cho người kiểm tra thực tế, phân tích, tìm hiểu nguyên nhân.
Vườn Quốc gia Tràm Chim từ năm 2012 được công nhận là khu Ramsar (đất ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và là đầu tiên ở miền Tây, với diện tích hơn 7.300 ha. Đây là một trong những nơi cư trú của sếu đầu đỏ nổi tiếng thế giới và là yếu tố quan trọng giúp Tràm Chim đạt danh hiệu khu Ramsar.
Vườn quốc gia Tràm Chim được trữ nước để phòng chống cháy. Ảnh: Quốc Trung
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng sếu tại khu Ramsar Tràm Chim giảm rất nhanh. Thống kê Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam cho thấy, năm 1998 lượng sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim là 1.052 con, đến năm 2017 còn 9 con, năm 2018 và 2019 đều chỉ có 11 con.
Thạc sĩ nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường cho biết các đồng cỏ năng rộng lớn ở Tràm Chim là nơi sinh sống lý tưởng của sếu đầu đỏ. Tại đây, chúng có thể tìm thức ăn chính là củ năng kim, các loại thức ăn phụ như cỏ, ếch, nhái, cá, cua…
Nhưng để phòng chống cháy rừng tràm, chính quyền địa phương cho trữ nước quanh năm khiến nhiều vùng đất bị ngập úng, hệ sinh thái đảo lộn. Quy luật một mùa khô và một mùa nước bị phá vỡ. Sự thay đổi từ sinh thái đất ngập nước theo mùa, nước ra vào tự nhiên thành môi trường sinh thái ao hồ khiến đồng cỏ năng, đặc biệt là năng kim bị thu hẹp, suy thoái, cỏ không thể tạo củ.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng các vùng đất ngập nước ở Tràm Chim phục vụ sản xuất nông nghiệp thời gian qua cũng khiến “nguồn thức ăn chính giảm, môi trường sống bị thay đổi, thu hẹp, nêu sếu đầu đỏ bỏ đi”, thạc sĩ Thiện nói.
Tiến sĩ Dương Văn Ni – Chuyên gia môi trường và tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cho biết, môi trường sống của sếu đầu đỏ tại Kiên Giang bị thay đổi và thu hẹp 90%, so với khoảng 20 năm trước.
Theo chuyên gia này, Kiên Giang trước đây có bốn khu vực sếu tập trung về trong mùa khô. Đó là hang động Mo So, Lung Lớn ở huyện Kiên Lương, đồng cỏ bàng Phú Mỹ (huyện Giang Thành), Vàm Hồ ( TP Hà Tiên). Hiện chỉ còn lại khu vực đồng cỏ bàng Phú Mỹ, vì nằm trong khu bảo tồn. Ba điểm kia là bãi ăn chính của sếu đầu đỏ đã bị xoá sổ nhiều năm qua, nhường chỗ cho phát triển đô thị, công nghiệp xi măng, nuôi tôm…
“Mất đi các vùng đất ngập nước tự nhiên, môi trường bị xâm lấn, xáo trộn, không còn chỗ ăn, trú ngụ thì đàn sếu không về là đều không tránh khỏi”, tiến sĩ Ni nói và cho biết khu khu bảo tồn Anlung Pring ở Campuchia, “bên cạnh” đồng cỏ bàng Phú Mỹ, sếu đầu đỏ thường xuyên về sinh sống khoảng 300-400 con… vì môi trường sống tốt hơn.
Theo VnE