Xác nhận rùa mai mềm tìm thấy ở Đồng Mô là rùa Hoàn Kiếm quý hiếm

Hoàng Nhân|19/12/2020 11:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Kết quả phân tích gen được công bố bởi các nhà khoa học cho thấy con rùa mai mềm ở hồ Đồng Mô là thuộc loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm.

Ngày 18/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (NN&PTNT Hà Nội) cùng các đơn vị liên quan tổ chức buổi hội thảo công bố kết quả xét nghiệm gen khẳng định con rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10/2020 là loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei), hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm.

Nhằm thực hiện Kế hoạch Bảo tồn các cá thể Giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm) tại các hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2030, ngày 22/10/2020, cơ quan chức năng phối hợp với các chuyên gia bảo tồn đã bắt được một cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô. Tổ công tác cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đã thống nhất kiểm tra hình thái và lấy mẫu máu, mẫu mô.

Kết quả xác định ban đầu cho thấy cá thể rùa hồ Đồng Mô nặng 86kg, chiều dài 1m, rộng mai 75,5cm. Các nhà khoa học cũng dùng máy siêu âm do các chuyên gia của WCS thực hiện để xác định giới tính và cho ra kết quả giống cái.

Khoảnh khắc rùa Hoàn Kiếm trước khi được thả trở lại hồ Đồng Mô. Ảnh: ATP/IMC.

Để khẳng định chắc chắn cá thể rùa ở hồ Đồng Mô cùng loài với cụ rùa hồ Gươm, các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu gửi đến Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và phân tích gen độc lập của Phòng Tài nguyên Thiên nhiên và Bảo tồn, Viện Tài nguyên môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết quả phân tích gene của cả các đơn vị đều khẳng định cá thể rùa này 99,99% là rùa Hoàn Kiếm.

Quỹ Bảo tồn rùa châu Á (IMC) cho biết, trên hồ Đồng Mô hiện có ít nhất hai con rùa vì đã phát hiện cả hai cùng nổi lên mặt nước tại một thời điểm và chụp được hình ảnh. Hôm 11/12, bộ phận thường trực của quỹ tại hồ Đồng Mô chụp ảnh một con rùa mai mềm, ước tính 130 – 150 kg. Dự kiến, con này được bẫy, bắt xác định giới tính trong năm 2021. Trường hợp là con đực, nhà chức trách sẽ tạo khu bãi cát ở hồ để rùa có thể sinh sản tự nhiên. Ngoài ra, còn một con rùa đã được phát hiện tại hồ Xuân Khanh. Sắp tới, Cơ quan chức năng sẽ bẫy, bắt nó để xác định loài và giới tính.

Trước đó, đã có nhiều nỗ lực nhằm ghép đôi sinh sản hai cá thể Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) ở Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Nhưng sau đó, cá thể cái cuối cùng được biết đến vào thời điểm đó, đã chết vào ngày 13/4/2019 trong quá trình hồi phục sau gây mê khi thụ tinh nhân tạo ở Tô Châu, Trung Quốc.

Khi cá thể cái chết, niềm hy vọng dồn sang khả năng có tồn tại các cá thể khác ở hai hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh của Việt Nam.

Hoàng Nhân

Bài liên quan
  • Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
    Moitruong.net.vn – Các vùng đất ngập nước có vai trò quan trọng cho sự sống, là cái nôi của đa dạng sinh học cung cấp nước và môi trường sống cho sinh vật. Do đó, cần thực hiện các biện pháp bảo tồn vùng đất ngập nước để phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác nhận rùa mai mềm tìm thấy ở Đồng Mô là rùa Hoàn Kiếm quý hiếm