Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật.
Theo báo cáo số liệu thống kê về đa dạng sinh học cho thấy, tại Việt Nam đã phát hiện được gần 12.000 loài thực vật, trong đó khoảng 2.300 loài được sử dụng làm lương thực, khoảng 3.300 loài được sử dụng làm dược liệu, thức ăn gia súc, lấy gỗ, lấy dầu và nhiều sản phẩm quý khác. Về hệ động vật, Việt Nam có khoảng 310 loài thú; 840 loài chim; 296 loài bò sát; 162 loài ếch nhái; 2.472 loài cá (trong đó có 472 loài cá nước ngọt) và hàng chục nghìn loài động vật không xương sống ở cạn, ở nước và trong đất…
Có thể nói, đa dạng sinh học đã mang lại lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp vai trò to lớn cho nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ.
Tại lễ mít-tinh kỷ niệm Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2019 diễn ra sáng 22/5, Bộ TN&MT nhấn mạnh, công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần một sự hợp tác đa bên, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội mới có thể thực hiện được mục tiêu đề ra của Công ước Đa dạng sinh học cũng như mục tiêu của chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.
Những năm qua, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy giảm một cách đáng báo động; các hệ sinh thái bị thu hẹp, bị chia cắt và suy giảm chất lượng; nguồn gien bị thất thoát, mai một…
Nguyên nhân của tình trạng này là do áp lực gia tăng dân số kéo theo việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, không bảo đảm cho việc tái tạo lại. Ngoài ra, công tác quản lý bảo tồn ĐDSH thời gian qua còn nhiều bất cập về quy định pháp luật, chính sách, thể chế và tổ chức bộ máy quản lý. Hệ thống các chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa đồng bộ. Đối với vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang làm cho nhiệt độ ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng hạn hán, nguồn nước bị cạn kiệt rất dễ xảy ra cháy rừng. Những tác động đó đã làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của một số loài chim di cư, đặc biệt là Sếu đầu đỏ, vì một khi thiếu bãi ăn, thiếu nước uống, sếu sẽ lập tức bỏ đi.
Cùng với đó, đối với các loài thực vật, BĐKH sẽ làm cho hệ sinh thái trong Vườn quốc gia Tràm Chim ảnh hưởng nặng nề Đặc biệt là quần xã rừng tràm, nếu bị ngập nước lâu ngày sẽ bị đổ ngã hoặc kém phát triển, còn nếu quá khô rất dễ gây cháy ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Tràm Chim.
Theo TS Dương Văn Ni – Trường Đại học Cần Thơ, các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Tràm Chim là thay đổi hệ sinh thái, khai thác quá mức, ô nhiễm, dịch bệnh, loài ngoại lai và BĐKH. Việc thay đổi hệ sinh thái là do nước ở Vườn quốc gia Tràm Chim trao đổi chỉ qua các cống, thời gian khô giảm, thời gian ngập gần như quanh năm, cây tràm xâm lấn tất cả các quần xã khác, chất hữu cơ chưa phân hủy tích tụ nhiều hơn trên mặt đất và trong kênh rạch là điều kiện để các loài ngoại lai phát triển.
Cục trưởng Bảo tồn ÐDSH (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Anh Cường cho biết: Trong điều kiện BÐKH, các hệ sinh thái (HST) bị chia cắt chắc chắn sẽ phản ứng kém cỏi hơn trước những sự thay đổi và có thể sẽ không tránh khỏi sự mất mát các loài sinh vật với tốc độ rất cao.
Theo dự báo của Viện Khoa học Khí tượng – Thủy văn và BÐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm của nước ta tăng khoảng 2, 3oC; mực nước biển có thể dâng từ 75 cm đến 1 m so với trung bình thời kỳ từ 1980 đến 1999.
Do vậy, nếu theo dự báo thì khoảng 20% đến 38% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 11% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập nước. Cũng với kịch bản này, sẽ có 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng (27%), 46 khu bảo tồn (33%), chín khu vực ÐDSH có tầm quan trọng bảo tồn quốc gia và quốc tế (23%) và 23 khu có đa dạng quan trọng khác (21%) ở Việt Nam bị tác động nghiêm trọng…
Ðáng chú ý, nhiệt độ trung bình tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần thể sinh vật của nhiều HST. Các nhà khoa học đã chứng minh được sự di cư của một số loài do sự ấm lên của Trái đất.
Theo kết quả điều tra sơ bộ tại Vườn quốc gia Hoàng Liên cho thấy, đang có sự dịch chuyển lên cao của một số loài cây đặc trưng thuộc các đai thực vật khác nhau. Hiện tượng này được gọi là hiện tượng “dịch chuyển vành đai nhiệt lên cao”. Trong số đó, có loài thông Vân San Hoàng Liên (loài đặc hữu), trước đây chỉ sinh trưởng ở độ cao từ 2.200 m đến 2.400 m, thì nay chỉ có thể gặp ở độ cao từ 2.400 m đến 2.700 m.
Ngoài ra, BÐKH cùng với sự suy giảm diện tích rừng đầu nguồn, sử dụng tài nguyên nước không hợp lý dẫn tới hiện tượng lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… xảy ra ngày càng nhiều, hậu quả ngày càng nghiêm trọng đối với đời sống con người và môi trường.
Cùng với các hoạt động buôn bán, sự xâm nhập của các loài ngoại lai hiện nay đang là mối đe dọa lớn lên tính ổn định và đa dạng của các HST ở Việt Nam thời gian qua.
Để chủ động ứng phó với sự suy thoái ÐDSH, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ÐDSH, các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu và chủ động đề xuất các giải pháp giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng, ứng phó và thích nghi với BÐKH.
Triển khai giải pháp bảo tồn và phát triển ÐDSH thông qua chính sách cụ thể để thu hút các thành phần trong xã hội tham gia; thành lập khu cứu hộ để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao do sự BÐKH. Thực thi và triển khai có hiệu quả những công ước quốc tế có liên quan tới BÐKH và ÐDSH mà Việt Nam đã ký kết với cộng đồng quốc tế thời gian qua.
Ngoài ra, trong kế hoạch bảo tồn ÐDSH quốc gia và các địa phương, cần đặc biệt lưu ý các giải pháp ứng phó phù hợp kịch bản của BÐKH để bảo vệ và duy trì nguồn gien trong các HST nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý bền vững và phát triển rừng đầu nguồn.
Xây dựng các phương án phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các giống phù hợp (chịu hạn, chịu nhiệt), điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cho các khu bảo tồn ở vùng đất thấp… Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa các chính sách về bảo tồn ÐDSH; tăng cường bảo tồn và phát triển ÐDSH ở cả các cấp độ HST, loài và nguồn gien.
Đồng thời hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác, buôn bán trái phép và khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, nhất là các loài quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Nếu chúng ta biết quản lý, giám sát để sử dụng một cách bền vững thì đây chính là cơ sở bảo đảm cho sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch bền vững; là nền tảng của y dược truyền thống phương Đông; là ngân hàng gien vô cùng quý giá tạo giống vật nuôi, cây trồng, phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.
Ngọc Ánh (T/h)