Xây dựng dữ liệu để cảnh báo sớm ở các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai

Thanh Hương (T/h)|12/09/2019 04:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nhấn mạnh yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, xây dựng dữ liệu ở các khu vực có thiệt hại nhiều về thiên tai.

Vừa qua, Thứ trưởng Lê Công Thành có buổi làm việc với Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) và các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT để rà soát “Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn”.

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn được phê duyệt tại Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: Đánh giá được mức độ rủi ro đối với các loại hình thiên tai có tần suất xuất hiện cao hàng năm như bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; Xây dựng được các bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai và bản đồ cảnh báo thiên tai; Xây dựng được cơ sở dữ liệu về thiên tai và rủi ro thiên tai.

Cần quan tâm tới xây dựng dữ liệu ở các khu vực có thiệt hại nhiều về thiên tai. Ảnh minh họa

Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng cục Trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, các nội dung nhiệm vụ trong Dự thảo Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và sản phẩm của Chương trình được nêu tại Quyết định số 705/QĐ-TTg và kế thừa các kết quả đã đạt được của các chương trình, đề án, dự án trong và ngoài Bộ có liên quan.

Kế hoạch được phân chia thành 02 giai đoạn gồm: giai đoạn 2018 – 2020 tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ chính là “Xây dựng hệ thống thiết lập bản đồ dự báo, cảnh báo tác động và rủi ro thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão, nước dâng do bão thời gian thực”; “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ và ngập lụt” và “Xây dựng quy trình, công nghệ lập bản đồ báo cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất cho khu vực trung du và miền núi Việt Nam”.

Giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo, tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai: áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực miền núi, đồng thời triển khai các nhiệm vụ phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai đối với các thiên tai nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn, mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối và đa thiên tai.

Thứ trưởng đề nghị, bám sát nội dung của Quyết định số 705/QĐ-TTg, Kế hoạch cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chung của Bộ, trong đó có các lớp thông tin liên quan đến phân vùng rủi ro thiên tai và các thông tin vĩ mô về kinh tế – xã hội của từng địa phương, để các ứng dụng, các hệ thống có thể khai thác dữ liệu chung mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Đặc biệt, quan tâm ưu tiên xây dựng dữ liệu ở các khu vực có thiệt hại nhiều về thiên tai trong 5 năm qua; tăng cường sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai.

Thanh Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xây dựng dữ liệu để cảnh báo sớm ở các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.