Xây dựng tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam - Bài 3: Sẵn sàng hướng tới thị trường tỷ đô

Minh Hiển|23/02/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thương mại carbon rừng là xu thế tất yếu cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ, kịp thời và bài toán giảm phát thải có thêm một lời giải hữu hiệu.

Từ mô hình trên thế giới

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.

Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Sau Nghị định thư Kyoto, thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á. Có hai loại thị trường chính là:

Thị trường carbon bắt buộc/Thị trường bắt buộc (mandatory carbon market): Trên thị trường này, việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc đồng thực hiện (JI).

thi-truong-cac-bon.jpg
Thị trường tín chỉ carbon sẽ là cú huých cần thiết để thúc đẩy bảo vệ môi trường và bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế xanh

Thị trường carbon tự nguyện/Thị trường tự nguyện (voluntary carbon market): Nguyên tắc hoạt động của thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị DN (ESG) để giảm dấu chân carbon.

Thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên là của Liên minh châu Âu, vận hành từ năm 2005. Đây là công cụ chính sách quan trọng bậc nhất của Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thị trường này chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải carbon toàn cầu.

Trung Quốc bắt đầu đề cập xây dựng thị trường carbon trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và sau đó đã tiến hành thí điểm diện rộng tại các khu vực, thành phố với các mức độ kinh tế đa dạng khác nhau. Ngày 16/7/2021, thị trường giao dịch trao đổi carbon Trung Quốc đã chính thức vận hành nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2060.

Thị trường carbon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và đang phát triển nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia. Tiềm năng của giá trị thị trường Carbon được dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2030 -2050 khi các quốc gia buộc phải thực hiện đầy đủ các cam kết giảm phát thải của mình. Trên bình diện quốc tế, các quốc gia công nghiệp như: Mỹ, Canada, Nhật Bản và châu Âu sẽ vẫn là người mua chủ đạo trong khi các nước châu Mỹ La tin, Trung Quốc và Ấn Độ, châu Phi là người bán then chốt. Tuy nhiên, một số nước hiện đang là người bán sẽ chuyển sang vai trò là người mua vào cuối thế kỷ này.

Tất cả các quốc gia đều muốn tính toán giá thành cho việc giảm phát thải. Tuy nhiên, do chưa có thị trường thực sự và đúng nghĩa cho việc này, nên các tính toán này chỉ có thể đưa ra giá ảo. Giá ảo là giá hoặc giá trị quy đổi của hàng hóa và dịch vụ khi chúng không được xác định một cách chính xác do thiếu thị trường để hình thành giá cả, hoặc do có sự biến động của giá cả trên thị trường.

Mới đây, ngày 21/2/2023, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch bán đấu giá sớm tín chỉ carbon (còn gọi là giấy phép phát thải carbon) nhằm tăng nguồn tiền mặt để giúp các nước này chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Với động thái này, kế hoạch có thể có hiệu lực tức thì.

Thị trường carbon của EU buộc các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp phải mua giấy phép phát thải khí CO2.

Theo tính toán, việc bán đấu giá tín chỉ carbon sẽ giúp huy động được 20 tỷ euro (21,3 tỷ USD) trợ cấp từ thị trường carbon của EU.

Khoản tiền này sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng và triển khai nhiều dự án giúp các ngành công nghiệp loại bỏ carbon.

Kế hoạch bán đấu giá sớm này đã được giới chức các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu thống nhất hồi cuối năm ngoái.

Những năm gần đây, giá của tín chỉ carbon tăng mạnh, giúp các nước tăng nguồn thu nhờ bán cho các công ty phát thải lượng lớn CO2. Ngày 21/2, giá giấy phép phát thải carbon của EU đã lần đầu tiên vượt 100 euro (106,57 USD)/ tấn, phản ánh sự gia tăng chi phí mà các nhà máy và nhà máy điện phải trả vì gây ô nhiễm.

Cụ thể, chỉ số EU Allowance (EUA) trong hợp đồng mua bán tín chỉ thời điểm tăng lên 100,70 euro/tấn và được giao dịch ở mức 100,07 euro/tấn vào lúc 10h45 GMT (17h45' giờ Việt Nam).

EUA là đơn vị tiền tệ chính được sử dụng trong Hệ thống Mua bán khí thải (ETS) của EU, theo đó buộc các nhà sản xuất, công ty điện lực và hãng hàng không phải trả cho mỗi tấn CO2 mà các công ty này thải ra.

Đây là nỗ lực của EU nhằm đáp ứng các mục tiêu đến năm 2030 giảm 55% lượng khí thải ròng gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường carbon ngày càng trở nên phổ biến vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách hiệu quả và cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải.

Thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam

Để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, một số kiến nghị đã được đưa ra cần thực hiện đồng bộ và kịp thời. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, cần phải có sự vào cuộc của nhiều bên, cụ thể: Bộ Tài Chính cần sớm xây dựng đề án thành lập thị trường carbon trình Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị đến năm 2025 sàn giao dịch tín chỉ carbon tiến hành vận hành thí điểm;

cac-bon-rung.jpg
Nguồn thu từ tín chỉ carbon tạo động lực cho các chủ rừng quản lý tốt hơn khu rừng của mình

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm tiến hành triển khai kiểm kê khí nhà kính (KNK) của hơn 1900 doanh nghiệp đã xác định, đây là căn cứ đầu tiên để làm cơ sở cho các doanh nghiệp khẳng định mình là đối tượng thuộc diện nào trong quy định hạn ngạch phát thải KNK;

Đối với doanh nghiệp cần chuẩn bị khả năng tham gia của doanh nghiệp mình, ví dụ, nếu là doanh nghiệp sản xuất phát thải KNK cần chủ động xác định khối lượng phát thải tại doanh nghiệp, số lượng tín chỉ cần có…để chủ động đăng ký khi cần cho cơ quan quản lý nhà nước và tính toán khả năng tham gia thị trường mua hay bán khi thị trường carbon trong nước đi vào vận hành trước năm 2025.

các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị, thúc đẩy việc áp dụng công cụ đánh giá carbon ở Việt Nam trong giai đoạn mới, để làm được việc đó cần ưu tiên một số vấn đề, cụ thể: “Thực hiện việc phân bổ hạn ngạch và xác định mức giá trần theo lĩnh vực cho các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải KNK; Nghiên cứu, đánh giá tác động đến khía cạnh chuyển đổi công nghệ, xã hội và tính cạnh tranh khi áp dụng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải đổi với các cơ sở phát thải lớn”.

Cùng với đó, cần có lộ trình áp dụng mức giá carbon mà Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác dự kiến áp dụng đến các doanh nghiệp Việt Nam để có lộ trình điều chỉnh việc áp dụng công cụ định giá carbon phù hợp; Nghiên cứu, xác định các rào cản về kỹ thuật để xác định thuế suất carbon phù hợp để đạt được các mục tiêu tạo ra động lực cho việc đầu tư hiệu quả vào các phương án carbon thấp và tránh tác động tiêu cực lên mục tiêu phát triển và ổn định kinh tế, đồng thời xác định phạm vi thuế carbon áp dụng lên các đối tượng chịu thuế nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội trong nỗ lực chung để giảm phái thải KNK.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị tham gia thị trường carbon có vai trò hết sức quan trọng, đó là động lực để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường carbon từ cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện, hỗ trợ về hạ tầng và công tác hành chính để doanh nghiệp có cơ hội tham gia tốt nhất, chính quyền như bà đỡ cho doanh nghiệp tham gia thị trường carbon.

Đồng thời, vì đây là vấn đề mới đối với Việt Nam, mua bán những hàng hóa không nhìn thấy được, chỉ qua giấy tờ chứng nhận thông qua tín chỉ, xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng gần như chưa hiểu biết về thị trường này, chính vì vậy công tác truyền thông có vai trò hết sức quan trọng đối với xã hội và doanh nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy khi công tác truyền thông tốt, nhận thức doanh nghiệp đầy đủ về thị trường carbon việc thực hiện mua bán tín chỉ carbon trên thị trường sẽ tiến hành thuận lợi, ngược lại truyền thông không tốt việc triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Thời gian từ nay đến năm 2025 không còn nhiều cho tổ chức xây dựng và phát triển thị trường carbon, do đó công tác truyền thông càng hết sức quan trọng đối với xã hội và doanh nghiệp.

Dù còn nhiều việc cần làm để có thể phát triển thị trường carbon nhằm hướng đến phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, nhưng việc triển khai có hiệu quả đồng thời các giải pháp và sự nhập cuộc tích cực của các bên nhằm hình thành thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam - Bài 3: Sẵn sàng hướng tới thị trường tỷ đô