Xem xét xử lý hình sự nếu cố tình xả thải ra môi trường

Nhật Hằng|19/09/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong số 400 cụm công nghiệp ở Hải Dương và Hưng Yên xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải chỉ có 5% trong số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 91% làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải tập trung,…

bac-hung-hai.jpg
Tình trạng ô nhiễm nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cần sớm khắc phục.

Chiều qua ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương về kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải là một hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều nhằm phục vụ việc tưới tiêu và thoát úng cho một vùng tứ giác nước của 4 tỉnh thành phố là: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương, được giới hạn bởi sông Hồng ở phía Tây, sông Đuống ở phía Bắc, sông Thái Bình ở phía Đông, và sông Luộc ở phía Nam. Chính vì thế mà trong cuộc họp chiều qua, ngoài các Bộ còn có lãnh đạo 4 tỉnh, thành phố kể trên có mặt.

Theo báo cáo, hiện nay, 60% nguồn ô nhiễm là từ nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải, trong đó, chỉ có 13.300 m3/ngày đêm được xử lý (chiếm 7%), còn lại 93% chưa được xử lý. Đối với nước thải phát sinh từ cụm công nghiệp (CCN) chỉ tính riêng hai địa bàn tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đã có 400 CCN xả nước thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải và chỉ 5% trong số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với nước thải phát sinh từ làng nghề, 91% làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn nước thải từ trang trại chăn nuôi, hầu hết chưa được đầu tư xây lắp, vận hành hệ thống nước thải. Chỉ có nước thải phải phát sinh từ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung…

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trong rất nhiều năm gần đây đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, bức xúc trong dư luận. Do đó, tại cuộc họp lần này, Bộ trưởng đề nghị, các Bộ, ngành và địa phương chịu sự ảnh hưởng của hệ thống Bắc Hưng Hải cùng xem xét trách nhiệm và đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết các tồn tại hiện nay.

“ Tôi đề nghị Tổng cục Môi trường phối hợp với Bộ Công An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương lên danh sách kiểm tra, đánh giá toàn bộ, từ đó, đưa ra lộ trình quản lý để nguồn nước khi xả thải vào hệ thống không còn ô nhiễm. Nếu theo thời gian quy định đưa ra mà doanh nghiệp không chấp hành có thể xử lý hành chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, đóng cửa, thậm chí xem xét biện pháp xử lý hình sự nếu cố tình xả thải ra môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo ông Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (Bộ Công an), để hạn chế tình trạng nước xả thải gây ô nhiễm môi trường càng thêm trầm trọng, Cục đã chỉ đạo công an thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, nghiên cứu, xây dựng giải pháp quản lý về môi trường trên kênh Bắc Hưng Hải. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã phát hiện 461 vụ, xử lý vi phạm hành chính 325 vụ, đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường 4,5 tháng đối với 2 cơ sở.

Xác định công trình Bắc Hưng Hải hiện vẫn là công trình thủy lợi, vận hành thường xuyên, đảm bảo thời vụ, phục vụ cho nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, chống ngập úng… nên cuộc họp đã đưa ra một số giải pháp trong đó có chủ trương xây dựng, nâng cấp cụm công trình đầu mối trạm bơm Xuân Quan để góp phần cải thiện tình hình ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Bên cạnh đó, cần đặt các hệ thống quan trắc ở đầu cửa sông xả ra Bắc Hưng Hải, nếu không đạt tiêu chuẩn sẽ đóng các cửa cống.

Bộ trưởng đề nghị, về phía Tổng cục Môi trường cần lên danh sách các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào danh mục kiểm soát; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý bàn giao cho các Bộ ngành liên quan và địa phương, các địa phương, UBND tỉnh, thành phố giao Sở TN&MT kiểm tra, đánh giá, để từ nay đến hết năm 2022, cần đưa ra được số liệu ô nhiễm, đưa ra giải pháp cụ thể từ cấp Trung ương đến địa phương.

Trong các giải pháp, Bộ trưởng đề nghị đánh giá kỹ và cân nhắc từng khu vực, trường hợp vi phạm trong việc xả thải ra môi trường. Những đơn vị xả thải có thể khắc phục được thì xây dựng các giải pháp áp dụng công nghệ, khoa khọc kỹ thuật, những đơn vị vi phạm nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm thì xem xét dừng hoạt động.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, nếu không đưa ra các giải pháp để cải thiện chất lượng môi trường khu vực này thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Nhà nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem xét xử lý hình sự nếu cố tình xả thải ra môi trường