– Các loại xe ô tô sẽ phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4) từ ngày 1-1-2017 theo lộ trình của Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã kiến nghị xin lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn này đối với dòng xe ô tô chở người từ 17 chỗ trở lên và các loại xe tải. Lý do được đưa ra là do nhiên liệu Việt Nam chưa đáp ứng được.
Địa phương và doanh nghiệp đều xin lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải 4
Xăng, dầu Việt Nam chưa theo kịp
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 thì chất lượng của xăng, nhiên liệu diezel, nhiên liệu sinh học phân phối trong nước cũng như nguồn nhập khẩu phải đáp ứng. Tuy nhiên đến năm 2017, nhiên liệu sản xuất trong nước của Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được tiêu chuẩn này. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lấy ví dụ, các sản phẩm xăng, nhiên liệu diezel của nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất chưa đạt tiêu chuẩn mức 3.
Tương tự, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tiêu chuẩn thiết kế và chất lượng sản phẩm cũng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn mức 4. Trong khi đó, việc đầu tư công nghệ sản xuất xăng, nhiên liệu diezel đáp ứng tiêu chuẩn khí thải 4 chỉ có khả năng thực hiện sau năm 2021.
Hiện, chênh lệch giá xăng dầu nhập khẩu giữa mức 2 và mức 4 lên đến khoảng 110 USD/tấn. Mặt khác, nếu áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 thì tất cả các loại xe phải thay đổi động cơ từ Euro 2 sang Euro 4, làm giá thành tăng từ 35-40%, theo đó giá ô tô sẽ tăng từ 15-20%. Do vậy, chi phí vận chuyển sẽ bị ảnh hưởng.
Cũng theo ông Đinh Văn Thu, nhiều nước trong khu vực ASEAN cũng đã lùi thời điểm áp dụng mức khí thải 4, như Indonesia lùi đến năm 2018 với ô tô và áp dụng hoàn toàn vào năm 2022; Malaysia cũng lùi đến 2018, thậm chí có thể đến 2022; riêng Singapore, Thái Lan, Philippines chỉ áp dụng khí thải mức 4 đối với động cơ xăng và chưa áp dụng với động cơ diezel.
Nguyên nhân chủ yếu khiến các nước phải lùi lộ trình là do nguồn nhiên liệu diezel đạt tiêu chuẩn mức 4 chưa đáp ứng được… Do đó, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ xem xét lùi thời điểm áp dụng tiêu chuẩn khí thải 4 với ô tô chở người từ 17 chỗ trở lên và ô tô tải các loại đến năm 2022, riêng với dòng xe chở người từ 17 chỗ trở xuống thì áp dụng đúng lộ trình.
Nhiên liệu chưa đáp ứng thì lùi?
Không chỉ địa phương, mà mới đây, một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cũng xin lùi lộ trình. Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 2,5 triệu xe ô tô, trong đó 1,5 triệu xe ô tô tải, ô tô khách đang sử dụng nhiên liệu diezel.
Dự kiến, mỗi năm con số này sẽ tăng thêm khoảng 200.000 xe. Nếu đúng theo lộ trình, từ 1-1-2017 sẽ phải thay toàn bộ công nghệ sản xuất động cơ, đẩy giá thành ô tô tăng lên cao. Mặt khác, ngoài ô tô thì trong nước còn nhiều động cơ sử dụng nhiên liệu diezel nhưng chỉ đạt tiêu chuẩn Euro 2 trở xuống như tàu thuyền, máy nông ngư cụ, máy nổ phát điện…
Với thực trạng sản xuất nhiên liệu của Việt Nam, cùng với việc thay đổi sẽ tác động đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người dân, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lùi thời điểm áp dụng tiêu chuẩn khí thải 4 với các dòng xe chở người từ 16 chỗ trở lên và các loại xe tải đến 2022.
Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA cũng kiến nghị về việc này. Ông Đặng Việt Hà, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, VAMA, một số địa phương và doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước bày tỏ quan ngại về vấn đề tiêu chuẩn nhiên liệu, đồng thời đề nghị các bộ, ngành giới thiệu nhiên liệu đạt chuẩn mức 4 nếu áp dụng đúng lộ trình quy định.
“Nếu các bộ, ngành chưa giới thiệu được nhiên liệu đạt chuẩn mức 4 trong năm 2016 thì đề xuất Chính phủ cân nhắc lùi lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 đối với xe tải và xe khách”, ông Đặng Việt Hà bày tỏ.
(Theo ANTĐ)