Xử lý ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn gia súc

Châu Anh|02/03/2021 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện nay, cả nước có 42 ổ dịch viêm da nổi cục, tổng số gia súc mắc bệnh là 771 con, trong đó Hà Tĩnh là địa phương thiệt hại nặng nhất với 27 ổ dịch và 464 con gia súc bị mắc bệnh.

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục, không để lây lan. Cùng với đó, chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện và thực hiện phòng, chống dịch, khống chế dịch bệnh đúng quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.

Ảnh minh họa

Để khống chế dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Công ty cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet nhập khẩu khẩn cấp 50.000 liều vaccine, bao gồm 10.000 liều vaccine Lumpyvac từ Thổ Nhĩ Kỳ, 20.000 liều vaccine LumpyShield từ Jordan; Công ty TNHH Thú y Đông Phương nhập khẩu 20.000 liều vaccine Mevac LSD từ Ai Cập để triển khai thí điểm tiêm phòng, chống dịch tại 8 tỉnh (Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị) và một số trại bò sữa. Đến nay, các địa phương trên đã tổ chức tiêm phòng được hơn 27.000 con trâu, bò.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành duy trì hoạt động chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông, kiểm tra, rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán chạy trâu, bò mắc bệnh; làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để dịch bệnh xảy ra và bùng phát ra diện rộng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các tỉnh, TP chủ động rà soát, thống kê số lượng trâu, bò thuộc diện tiêm phòng để xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí mua vaccine; thực hiện tiêm phòng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất và cơ quan thú y địa phương, đồng thời tiến hành lấy mẫu đánh giá sau khi tiêm phòng.

Bệnh viêm da nổi cục còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại virus (Lumpy Skin Disease Virus-LSDV) gây ra với trâu, bò thuộc họ Poxviridae, chi Capripoxvirus, cùng chi với vi rút gây bệnh đậu trên dê, cừu. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.

Châu Anh 

Bài liên quan
  • Ngư dân Quảng Nam trúng đậm cá hố đầu năm
    Moitruong.net.vn – Chuyến ra khơi đầu năm mới, ngư dân Quảng Nam đã đánh bắt được sản lượng lớn cá hố. Đến các xã ven biển TP Tam Kỳ, những con đường, trước sân nhà, đâu đâu cũng thấy phơi cá hố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn gia súc