Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP) có hiệu lực từ 25/8 tới đây, nhằm thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Quy định mới này nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn, với những điều khoản liên quan đến thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế.
Tổ trưởng Tổ dân phố 11 phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng, quy định xử phạt nếu không phân loại rác đang khiến người dân rất bối rối và lo lắng.
Theo bà Thủy, việc bỏ chung các loại rác đã trở thành thói quen, muốn thay đổi cần có sự tuyên truyền, vận động, nên có các tờ rơi phát về tổ dân phố. Trên cơ sở đó, tổ dân phố sẽ thông báo tới từng hộ gia đình để nắm bắt quy trình phân loại rác. Nếu không có hướng dẫn, rất nhiều người sẽ không nhận biết được đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ, rác có thể tái chế và từng loại rác thì bỏ vào đâu... dẫn đến quy định sẽ không đi vào cuộc sống.
Tại Hà Nội, công tác bảo vệ môi trường với nhân tố cốt lõi từ các hộ gia đình vẫn luôn được các cấp, ngành TP quan tâm và triển khai nhiều công tác thí điểm, mô hình mẫu về phân loại rác thải trên địa bàn các huyện. Không ít chương trình mang lại tín hiệu khả quan, cho thấy ý thức người dân đang dần thay đổi.
Tuy vậy, khi chế tài xử phạt có hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về cách làm, tránh việc người dân vô tình bị phạt oan vì thiếu thông tin.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) Lê Thị Thùy Dương cho biết, về quy định xử phạt theo Nghị định 45/NĐ-CP, các cơ sở trên địa bàn huyện đã được nắm bắt thông qua một số hội nghị, thông tin báo chí, đồng thời Hội Phụ nữ xã cũng đã thực hiện nhiều bước để thông tin tới người dân.
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường từ gốc cũng được Hội Phụ nữ xã thực hiện thí điểm theo chỉ đạo của các cấp UBND xã Kim Sơn, UBND huyện Gia Lâm nhằm đẩy mạnh hiệu quả thay đổi tư duy của người dân.
“Tuy vậy, trước thời điểm Nghị định có hiệu lực, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân đối với việc xử phạt. Ngoài tuyên truyền về chính sách mới, cơ sở chưa được định hướng về phương pháp triển khai, người dân phải làm như thế nào để tránh bị xử phạt... là những khó khăn phát sinh trong thời gian qua. Do đó, tôi mong muốn các cơ quan cấp trên sớm có hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện thực thi” - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Sơn chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã La Phù, huyện Hoài Đức Nguyễn Hữu Khoa cũng bày tỏ việc người dân bắt buộc phải phân loại rác từ hộ gia đình nếu không muốn bị xử phạt hiện còn gặp nhiều khó khăn, về cả kinh phí bổ sung công cụ thu gom, trang thiết bị giám sát.
“Đặc thù ở xã La Phù gồm nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất nên công tác bảo vệ môi trường được chú trọng xuyên suốt nhiều năm. Tuy nhiên, yêu cầu kiểm soát quy trình phân loại rác thải từ hộ gia đình vẫn khiến địa phương gặp bối rối. Ví dụ như thùng rác sẽ được đặt ở đâu, giờ thu gom như thế nào hay hành vi như thế nào sẽ bị xử phạt?” - ông Nguyễn Hữu Khoa cho biết.