Xả nhiều rác trả nhiều tiền
Từ ngày 25/8 tới, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đây là một phần của nội dung Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nhằm thực thi Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi.
TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, hiện nay Hà Nội thu tiền phí rác thải là 6.000 đồng/người/tháng. Người thải nhiều hay thải ít có cùng mức đóng như nhau. Điều này không khuyến khích người dân hạn chế xả rác ra môi trường, không thực hiện được phân loại rác tại nguồn. Ở nước phát triển, nguyên tắc triệt để là người gây ô nhiễm phải trả tiền, càng xả nhiều rác, càng gây nhiễm, càng phải trả nhiều tiền. Điều này là rất bình thường và cũng cần thiết để đưa rác thải về đúng quy trình nghiêm ngặt, bảo vệ môi trường.
Nhiều nước trên thế giới đã phân loại rác tại nguồn từ lâu. Ví dụ ở Thủ đô Brussels của Bỉ, việc sử dụng các túi rác khác nhau giúp người dân rất dễ dàng phân loại tại nguồn. Còn ở Nhật, Nhà nước chỉ trợ giá cho một số túi nhất định, sau đó người dân phải trả tiền khá cao để mua túi đựng rác chuyên dụng.
Tới đây thực hiện luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì, thiết bị đúng quy định. Đơn vị thu gom rác cũng có trách nhiệm thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật. Việc này thúc đẩy người dân phải thực hiện đúng quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn. Nhiều người cho rằng nếu vậy người ta sẽ vứt rác trộm, vứt bừa bãi bất cứ đâu mà không ai kiểm soát được.
PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, khi thực thi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, thu phí rác thải tới đây phải dựa trên nguyên tắc, người gây ô nhiễm thì phải trả tiền, người phát thải nhiều rác thì phải trả nhiều tiền. Theo đó, khi người dân mua túi đựng rác nghĩa là đã nộp phí rồi, không phải cân rác hay đong đếm gì phức tạp nữa. Rác thải sau khi phân loại phải đựng trong những chiếc túi này thì nhân viên vệ sinh môi trường mới thu gom, trường hợp người dân không phân loại rác, không đựng rác trong những chiếc túi trên hoặc vứt rác bừa bãi thì nhân vệ sinh môi trường có quyền từ chối thu gom và người dân sẽ bị xử phạt nặng.
Tránh để “luật nằm trên giấy”
GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM lưu ý, quan trọng nhất là quá trình thực hiện phải đơn giản, dễ làm, đảm bảo công bằng, bịt được các lỗ hổng, tránh để một số người lợi dụng để không trả tiền hoặc trả cho có, hay có người lợi dụng chính sách để trục lợi, móc túi của người dân.
Hàn Quốc, Nhật Bản... đều có những quy định rất chi tiết về phân loại rác thải sinh hoạt cũng như loại rác nào thu phí nhiều, loại nào thu phí ít... Ở Hàn Quốc, Chính phủ ban hành danh mục các loại chất thải sinh hoạt cần phân loại tại nguồn; quy cách các loại túi chuyên dụng để đựng chất thải sinh hoạt khi thải bỏ; chế độ bán và sử dụng túi đựng rác theo từng loại hình chất thải sinh hoạt với kích cỡ khác nhau, cũng như quy định về việc chỉ tiến hành thu gom chất thải sinh hoạt được phân loại đúng cách và đựng trong túi đúng quy cách.
Theo các chuyên gia, để phân loại rác, quan trọng nhất là phải tạo cho người dân thói quen phân loại rác tại nguồn, một khi đã phân loại thành công thì xử lý rác sẽ thành công, tránh nhiều trường hợp như hiện nay, một số địa phương ký hợp đồng xử lý rác với doanh nghiệp nước ngoài, song cuối cùng việc xử lý rác thất bại và doanh nghiệp đổ lỗi cho chúng ta không phân loại rác tại nguồn.
Để thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn, trước hết cần phải tìm "đầu ra" cho các loại rác, những loại rác nào được bán cho các nhà máy sản xuất phân composite, những loại rác nào có thể tái chế thành những sản phẩm thân thiện với môi trường hay đi chôn lấp.
Ngoài ra phải làm tốt công tác tuyên truyền, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân là rất cần thiết. Khi người ta nhận thức được lợi ích, người ta sẽ tự giác người ta sẽ nộp tiền. Để thay đổi thói quen của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn, ngoài việc tuyên truyền cũng cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, cần bổ sung thêm chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Hương - Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên cho biết, phân loại rác dù đã được đề cập từ lâu nhưng việc thực hiện gần như không có. Người dân không có thói quen phân loại rác mà chỉ tập trung rác thải mang đến điểm tập kết. Do đó, công việc phân loại rác chủ yếu do các nhân viên vệ sinh môi trường thực hiện. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn, lại vất vả nên hầu hết rác thải sẽ được chuyển thẳng đến các nhà máy xử lý trong thành phố.
“Việc xử lý rác thải không được phân loại cũng gây rất nhiều khó khăn cho các công nhân vệ sinh môi trường. Nếu người dân phân loại rác ngay từ những hộ gia đình thì việc xử lý rác của các công nhân vệ sinh môi trường như chúng tôi có thể sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện nay quy định thì đã có nhưng chúng tôi cũng chưa được phổ biến về cách thức thực hiện ra sao nên cũng chưa hình dung ra sẽ phải làm những gì” - bà Hương cho hay.
Làm công việc vệ sinh môi trường 3 năm nay, anh Trần Văn Hùng chia sẻ: “Rất nhiều hộ gia đình cũng đã có ý thức trong việc phân loại rác, tuy nhiên con số này không nhiều. Hầu hết mọi người chỉ tập trung rác lại và chờ lực lượng vệ sinh môi trường đến thu gom nên công việc của chúng tôi rất vất vả. Thời gian gần đây các nhà máy xử lý rác còn thường xuyên quá tải nên công nhân của công ty môi trường nào cũng kiệt sức vì đợi chờ, khối lượng công việc lớn…”
Anh Hùng cũng bày tỏ mong muốn khi Nghị định 45 chính thức có hiệu lực, người dân sẽ thay đổi thói quen phân loại rác, góp phần bảo vệ môi trường cũng như giảm tải áp lực cho công nhân vệ sinh.
Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhấn mạnh, đây là vấn đề mới, mặc dù liên quan đến luật nhưng lại rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân tự giác thực hiện. Xử phạt thì dễ nhưng để việc phân loại rác thực sự trở thành thói quen, ăn sâu vào máu người dân mới là mục tiêu lớn mà chúng ta hướng đến.
Do vậy, theo chuyên gia về môi trường, thời gian hơn 1 tháng sắp tới, cả hệ thống phải vào cuộc, đặc biệt là các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh quyết liệt công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ và có ý thức thay đổi. Nếu không luật sẽ chỉ nằm trên giấy, việc xử phạt cũng không có nhiều ý nghĩa về mặt tổng thể, cộng đồng.
“1 tháng sắp tới là thời điểm quan trọng để rà soát, chuẩn bị về công tác quản lý, tạo điều kiện cho người dân sẵn sàng bắt tay vào thực hiện. Phải đến từng nhà gõ cửa, tuyên truyền, hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể như cách chúng ta đã làm với Covid-19. Có như thế thì việc triển khai thực hiện trong tháng 8 mới thực sự có hiệu quả. Bởi đây là một vấn đề lớn, chủ chương đã là rất tốt, giờ chỉ còn cách thực hiện ra sao mà thôi. Nếu cứ chỉ xử phạt thông thường, dễ dẫn đến “nhờn luật” mà mục tiêu thì không đạt được” - bà An khẳng định.