Phú Yên: Thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn

Bảo An|08/07/2022 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đại diện Hội LHPN tỉnh Phú Yên cho biết, phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tích cực tham gia nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa với các mô hình hay, hiệu quả.

rac.jpg
Triển khai mô hình phân loại rác tại xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa.

Theo thông tin từ Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, việc phân loại rác tại nguồn vẫn còn chưa đi vào đời sống người dân một cách sâu sắc. Thống kê cho thấy, năm 2021, tổng lượng rác thu gom và xử lý trên địa bàn tỉnh khoảng 510 tấn/ngày, trong đó, rác hữu cơ chiếm 60-70% nhưng địa phương chưa có phương án xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, Phú Yên cũng chưa có nhà máy xử lý rác thải, bãi rác Thọ Vức của TP Tuy Hòa dự kiến 1-2 năm nữa sẽ bị quá tải. Trước thực tế đó, tổ chức WWF-Việt Nam đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông về phân loại rác thải tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa.

Đại diện Hội LHPN tỉnh Phú Yên cho biết, phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tích cực tham gia nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa với các mô hình hay, hiệu quả. Trong đó, hai mô hình “Tổ tự quản phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa” và “Quầy đổi giỏ đi chợ” vừa được triển khai, tuy là cách làm đơn giản nhưng hiệu quả thiết thực.

Các mô hình được thí điểm nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cho hội viên, phụ nữ và người dân về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa; tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa đối với sức khỏe con người… từ đó thay đổi hành vi để giảm thiểu sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần; từng bước chuyển đổi sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Việc sử dụng phổ biến túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hằng ngày đang là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Để giảm thiểu rác thải nhựa, hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại Phú Yên. Đây là các mô hình tiên phong giúp giảm nhựa, để qua đó lan tỏa những hành động vì môi trường nhằm hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Hội LHPN tỉnh đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với nhiều việc làm thiết thực như vận động chị em tăng cường sử dụng các sản phẩm thay thế, tặng giỏ đi chợ…; qua đó dần xây dựng ý thức và hành động “nói không với rác thải nhựa” trong cộng đồng. Các hoạt động này không những góp phần giữ gìn môi trường sống, mà còn xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp thiết thực trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Phân loại rác thải tại nguồn mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội khi tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, giúp xử lý hiệu quả hơn các thành phần khác nhau trong rác thải; làm thay đổi thói quen, nhận thức và hành động của cộng đồng, sử dụng hợp lý tài nguyên...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phú Yên: Thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.