Xuất bản Việt Nam - 70 năm chuyển mình mạnh mẽ và phát triển bền vững

Lam Trinh|05/10/2022 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ 1.953 đầu sách xuất bản năm 1976 đến năm 2021, con số đạt được là trên 40.000 đầu xuất bản phẩm, đạt doanh thu gần 3.000 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2002, ngành xuất bản đang phấn đấu đến năm 2025 vào nhóm 3 nước có nền xuất bản phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Trải qua 70 năm hình thành, xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành xuất bản, in và phát hành đã có bước phát triển vượt bậc trên cả ba lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành sách. Nếu như trong khoảng thời gian cả nước đồng sức, đồng lòng cho tiền tuyến, quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập cho tổ quốc, toàn ngành đã xuất bản được hơn 520 triệu bản sách thì đến năm 2021, số bản sách được xuất bản đã bằng tổng khối lượng của cả 20 năm trước đó, doanh thu đạt gần 3.000 tỷ đồng. Đó là một thành quả cả một chặng đường 70 năm tôi luyện trong gian khó vẫn nỗ lực, cố gắng phát triển đi lên của ngành xuất bản Việt Nam.

Cánh tay đắc lực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trên lĩnh vực hoạt động tư tưởng

70nxb.jpg
Trưng bày những ấn phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia tại triển lãm sách chào mừng 70 năm ngành xuất bản, in và phát hành. 

Hoạt động xuất bản cách mạng luôn gắn chặt với sự nghiệp cách mạng ngay từ những năm tháng đầu tiên của cách mạng. Đảng luôn coi sách, báo cách mạng là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng để thực hiện tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức hoạt động của quần chúng, đồng thời thực hiện có hiệu quả việc truyền bá tư tưởng mác xít cho nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác xuất bản và những tác phẩm: Con rồng tre, Đường Kách Mệnh, Bản án chế độ thực dân Pháp,…của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở thành những tác phẩm tinh thần bất hủ được xuất bản và đưa về nước để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê Nin, mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam bằng hoạt động tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, mở đường cho sự nghiệp xuất bản cách mạng nước ta.

Ngày 10/10/1952, tại Thủ đô kháng chiến ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia với bốn nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý và phát triển công tác xuất bản, in, phát hành sách báo. Sắc lệnh đã tạo cơ sở pháp lý đầu tiên quan trọng để ngành xuất bản Việt Nam phát triển. Cũng từ đó, ngày 10/10 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam.

Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xuất bản Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, khẳng định vai trò quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh tinh thần với sức mạnh thời đại, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Trong những năm đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngành xuất bản tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong việc cung cấp tri thức, đổi mới tư duy lý luận, tuyên truyền sâu rộng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên, trang bị kiến thức cho cán bộ, nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành xuất bản, in và phát hành sách đã có những bước phát triển vượt bậc trên cả ba lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành sách. Chất lượng nội dung xuất bản phẩm không ngừng được nâng lên, góp phần quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,…

Trước mỗi giai đoạn lịch sử, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Đảng ta đều ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, quy định để chỉ đạo, định hướng và tạo điều kiện cho ngành xuất bản phát triển. Điều đó thể hiện ở một số văn bản như: Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 31/3/1992 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản; Là Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 17/10/1997 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản, nêu ra hệ thống quan điểm chỉ đạo cơ bản; Là Thông tri số 07-TT/TW ngày 11/8/2000 về việc xuất bản sách viết về hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc đề xuất danh sách các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cần viết sách để Bộ Chính trị phê duyệt.

Đặc biệt sự ra đời của Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa X về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản khẳng định quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của xuất bản, xác định định hướng phát triển của xuất bản trong điều kiện đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đảng tiếp tục khẳng định xuất bản là một lĩnh vực tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng, công tác thể chế hóa, xây dựng pháp luật được đẩy mạnh, Luật Xuất bản đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung với mục tiêu tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản, bảo đảm tính thống nhất trong quá trình thực thi luật, đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước. Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản dưới Luật để cụ thể hóa các qui định của Luật Xuất bản, tạo hành lang pháp lý để hoạt động xuất bản phát triển ổn định, đúng định hướng.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông qua định hướng kế hoạch, đề tài, đặc biệt là những vấn đề quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, hoạt động xuất bản từng bước được nâng lên, xuất bản được nhiều bộ sách có giá trị cao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội,…Các loại sách lý luận chính trị, pháp luật, khoa học, giáo dục, văn học, nghệ thuật và sách cho thanh thiếu niên, nhi đồng đã có bước phát triển mạnh, phục vụ kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như đáp ứng nhu cầu, phù hợp với từng lứa tuổi, từng thành phần xã hội.

Đổi mới để phát triển bền vững

70n-xb1.jpg
 Các nhà khoa, các đại biểu xem triển lãm sách chào mừng 70 năm ngành xuất bản, in và phát hành.

Những năm kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, người làm công tác xuất bản, phát hành sách đã phải vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ để thực hiện xứ mệnh thiêng liêng của mình là đưa hàng ngàn đầu sách với hàng chục triệu bản in cùng nhiều sách, báo, tài liệu quan trọng, góp phần không nhỏ cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân ta chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành lại sự động lập của Tổ quốc.

Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1975, toàn ngành đã xuất bản được gần 521 triệu bản sách trong đó năm 1975 xuất bản được gần 3.000 đầu sách với khoảng 40 triệu bản trong đó có rất nhiều là sách, báo, tài liệu quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu về chủ nghĩa Mác – Lê nin, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế,..

Sau 10 năm hoạt động kể từ khi đất nước thống nhất, mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, số lượng các nhà xuất bản ít, mạng lưới phát hành sách chưa được rộng khắp nhưng ngành xuất bản không ngừng nỗ lực vươn lên, đáp ứng nhu cầu bạn đọc cả nước, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Tổng số đầu sách xuất bản trong 10 năm từ 1976 đến 1985 là 19.703 với hơn 472 ngàn bản sách xuất bản. Một số nhà xuất bản dù trong điều kiện rất khó khăn cũng xuất bản được những bộ tổng tập, tuyển tập có dung lượng lớn, chất lượng cao.

Từ năm 1991 đến năm 2001, mặc dù còn những khó khăn nhất định nhưng Xuất bản Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng tưởng. Những chỉ tiêu về số cuốn, số bản đều tăng gấp 4 đến 4,5 lần sau 10 năm là cơ sở để toàn ngành bước vào giai đoạn phát triển mới với những kết quả đáng khích lệ của những năm đầu thế kỷ 21.

Đánh giá về tình hình xuất bản giai đoạn này, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã nhận định: “Hoạt động xuất bản đã có bước phát triển nhanh, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - văn hóa,…Nhiều bộ sách có giá trị được xuất bản. Các mảng sách chính trị - xã hội, khoa học – kỹ thuật – công nghệ và sách cho thanh niên, thiếu niên khá phong phú, đa dạng. Chất lượng sách giáo khoa từng bước được nâng cao cả về nội dung và hình thức”.

Theo nguồn tổng hợp báo cáo qua các năm của Cục xuất bản, in và phát hành ( Bộ Thông tin và Truyền thông), kết quả hoạt động xuất bản từ năm 2011 đến nay không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2011, toàn ngành xuất bản được hơn 320 nghìn bản với doanh thu gần 2.700 tỷ đồng thì năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất bản vẫn có bước phát triển tích cực. Toàn ngành xuất bản đạt trên 40.000 đầu xuất bản phẩm trong đó có trên 32.000 đầu sách, trên 462 triệu bản xuất bản phẩm, tăng 1,5 lần so với năm 2001. Tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2002.

Hệ thống tổ chức các nhà xuất bản được giữ vững, ổn định; năng lực trình độ của một số nhà xuất bản được tăng cường; lực lượng lao động có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Lĩnh vực in và phát hành phát triển nhanh về qui mô và số lượng, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân. Nhiều nhà xuất bản đã và đang có những bước đi thích hợp, tạo sự đổi mới căn bản trong hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số, ngành xuất bản.

Trong ba năm gần đây, lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng. Chỉ riêng 03 đơn vị phát hành sách nói Waka, Fonos và WeWe đã có hàng trăm nghìn Account (tài khoản) sử dụng thường xuyên với tổng lượt truy cập năm 2021 lên đến 20 triệu lượt.

Thế giới đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một cuộc cách mạng công nghệ mới, gia tăng nhanh về tốc độ theo cấp lũy thùa; phạm vi rộng khắp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sự thay đổi chưa từng có trong mô hình kinh tế - xã hội. Việt Nam đang đứng trước những thời cơ lớn để vươn lên thành một quốc gia phát triển thông qua quá trình công nhigpeje hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp hóa lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính phủ số; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng và hoàn thiện các thể chế khuyến khích đổi mới sáng tạo,…

Trên mọi bình diện, chuyển đổi số đã và đang là xu thế chính yếu, những thay đổi về đời sống kinh tế - xã hội gắn liền với những thay đổi, nhu cầu và phương thức tiếp cận sách của độc giả cùng văn hóa đọc có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ, ngành xuất bản đứng trước những thời cơ và thách thức mới, thực hiện chuyển đổi số như một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn phát triển mới. Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đó, thực hiện phát triên theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số là hướng đi tất yếu của ngành xuất bản, in và phát hành.

Để ngành xuất bản hoạt động ngày càng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành xuất bản không ngừng duy trì tốc độ tăng trưởng, đưa xu thế tiến bộ, hiện đại của thế giới vào phát triển hoạt động xuất bản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đưa xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử làm mũi nhọn đột phá. Phấn đấu đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử đạt 15% vào năm 2025; đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước có nền xuất bản phẩm phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á; xuất bản nhiều đầu sách hay, giá trị, đúng định hướng với số lượng lớn, đạt mốc doanh thu 4.600 tỷ đồng.

Bài liên quan
  • Ngành xuất bản, in và phát hành đang có bước chuyển mình mạnh mẽ
    Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản gồm cả ba khâu: Nhà xuất bản, nhà in và đơn vị phát hành. Sự kiện này mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động xuất bản nước ta. Sau này, ngành xuất bản lấy ngày 10/10/1952 là ngày truyền thống toàn ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất bản Việt Nam - 70 năm chuyển mình mạnh mẽ và phát triển bền vững