Xuất khẩu gạo năm 2020 dự báo sẽ là điểm sáng giữa đại dịch COVID-19

Minh Anh|26/08/2020 09:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cùng với vụ đông xuân và vụ hè thu đã được mùa, được giá, sản xuất lúa năm 2020 trên cả nước sẽ “đại thắng” nếu lúa vụ mùa 2020 tại phía Bắc thắng lợi.

Gạo có lẽ là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kì năm 2019. Cụ thể số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 372 triệu USD, tăng 20,5% về giá trị và lượng tăng 15% so với cùng kì năm ngoái.
Cục Trồng trọt cho biết: Mặc dù đầu vụ, lúa hè thu – lúa mùa tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nắng hạn.

Tuy nhiên rất đáng mừng là các đợt mưa lớn liên tiếp, bắt đầu từ ngày 2/8/2020 đã kịp thời cứu lúa, cây lúa bật dậy rất nhanh. Đến nay, nhìn chung lúa các tỉnh Bắc Trung Bộ đều phát triển rất tốt. Lúa mùa các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng với khoảng 560 nghìn ha, đang bắt đầu trỗ, không phát sinh sâu bệnh.

Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Lúa hè thu và lúa mùa tại các tỉnh phía Bắc hiện nay đang trong giai đoạn trỗ, hết sức mẫn cảm, trong khi đó mùa mưa bão tại phía Bắc vẫn còn, nên không thể chủ quan. Cần hết sức lưu ý các loại sâu bệnh trên lúa hè thu cuối vụ, lúa mùa, nhất là các loại sâu bệnh như bạc lá, rầy nâu cuối vụ, lùn sọc đen, sâu đục thân.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Năm 2020, trước vô vàn thách thức về thiên tai, nhất là hạn mặn lịch sử ở ĐBSCL, nắng hạn ở các tỉnh Trung Bộ, nguy cơ sâu bệnh tiềm ẩn…, nhưng đến thời điểm này, sản xuất lúa vụ đông xuân, vụ hè thu trên cả nước đã căn bản thắng lợi lớn. Vì vậy, nếu giữ được thắng lợi của sản xuất lúa vụ mùa 2020 tại các tỉnh phía Bắc, sẽ là năm sản xuất lúa cả nước “đại thắng”, trong đó rút ra được nhiều bài học, dấu ấn lớn trong công tác chỉ đạo sản xuất…

Về chủ trương sản xuất lúa thu đông vùng ĐBSCL trong năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm nay ĐBSCL dự báo lũ không lớn, toàn vùng hiện cũng có trên 1 triệu ha đất lúa đã có đê bao, nên việc sản xuất lúa vụ 3 của vùng sẽ rất ít rủi ro. Mặc dù vậy, chủ trương của Bộ NN-PTNT là chỉ duy trì khoảng 800 nghìn ha lúa thu đông tại ĐBSCL trong năm 2020, không khuyến khích mở rộng thêm, mà cần đi vào các giải pháp cơ cấu lại sản xuất chiều sâu nhằm tăng chất lượng, năng suất, tổ chức sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu theo hướng giá trị cao…

Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương cần giám sát, theo dõi kỹ tình hình sinh trưởng của lúa thu đông tại các tỉnh ĐBSCL trong thời gian tới nhằm sớm đưa ra các dự báo về các trà thu hoạch để chuẩn bị kỹ các phương án cho thu hoạch, xuất khẩu…
Với việc Hiệp định EVFTA được thực thi, mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn gạo (được miễn thuế nhập khẩu vào EU), trong đó gồm 30.000 tấn gạo thơm, mặc dù số lượng không lớn so với tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta, tuy nhiên lại có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định vị thế, thương hiệu của gạo Việt Nam do đây là thị trường cao cấp, có yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng.

Với ý nghĩa quan trọng này, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Trồng trọt sớm chủ trì việc thực hiện đánh giá, giám sát và cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu khẩu sang EU một cách chặt chẽ nhất. Hiện tại, dự thảo Nghị định quy định về cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU cũng đã được Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét phê duyệt nhằm có cơ sở pháp lý và thủ tục thực hiện cấp chứng nhận về lâu dài.

Trong thời gian chờ xem xét phê duyệt nghị định này, Chính phủ cũng đã đồng ý để Bộ NN-PTNT sớm chủ động thực hiện việc cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm để tranh thủ cơ hội sớm xuất khẩu sang EU với số lượng tốt nhất trong các tháng còn lại của năm 2020.

Minh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gạo năm 2020 dự báo sẽ là điểm sáng giữa đại dịch COVID-19