Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, tác động của dịch Covid-19 đã khiến xuất khẩu của ngành sụt giảm mạnh trong tháng 8 vừa qua.
Trong đó, giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ (-50,2%), cá tra và tôm (-29,7%), rau củ (-25,8%), phân bón (-23,6%), hồ tiêu (-21,5%),… Chỉ có 3 nhóm sản phẩm tăng là sắn và sản phẩm từ sắn (+26,6%), sản phầm từ ngũ cốc (+1,1%), sữa và sản phẩm sữa (+0,8%).
Bộ NN&PTNT đánh giá, nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều DN, nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu. Trong đó, nhiều DN, nhà máy chỉ hoạt động ở 30-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có F0…
Song tính chung 8 tháng, xuất khẩu của ngành ước đạt 32,1 tỷ USD (tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD (tăng 13,6%); lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD (tăng 42,7%); thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD (tăng 7,1%); chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD (tăng 15,9%); nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD (tăng 31,1%).
Nhiều mặt hàng có giá xuất khẩu bình quân tăng. Chẳng hạn, hồ tiêu đạt 3.327,4 USD/tấn (+51,4%), cao su đạt 1.670,7 USD/tấn (+30,9%), gạo đạt 535,3 USD/tấn (+9,4%), cà phê đạt 1.858,5 USD/tấn (+8,6%), sắn đạt 256 USD/tấn (+13,2%), chè đạt 1.669,4 USD/tấn (+4,7%).
Dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 8/2021.
Về thị trường, Mỹ tiếp tục thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt trên 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần); đứng thứ 2 là Trung Quốc gần 6,1 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần); Và Nhật Bản đạt trên 2,2 tỷ USD (chiếm 6,8%); Hàn Quốc khoảng 1,4 tỷ USD (chiếm 4,3%).
8 tháng đầu năm, Việt Nam cũng nhập khẩu 28,8 tỷ USD (tăng 44,1% so với cùng kỳ năm 2020) các mặt hàng nông lâm thủy sản. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu nông sản xuất sang Việt Nam lớn nhất đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 10% thị phần; tiếp theo là Mỹ đạt trên 2,7 tỷ USD, chiếm 9,3%.
Tính chung 8 tháng, Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 3,3 tỷ USD, tuy nhiên lại giảm 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 45 tỷ USD như đề ra, Bộ NN&PTNT đánh giá, những tháng cuối năm, dự kiến thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch Covid-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế trong nước cũng như quốc tế.
Để tháo gỡ khó khăn, tìm ra giải pháp căn cơ tiêu thụ nông sản và xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề ra 3 giải pháp. Thứ nhất, thoát khỏi tư duy mùa vụ. Trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn từ 5 đến 10 năm.
Thứ hai, tăng cường đối thoại. Bất cứ ngành chuyên môn nào đều cần tam giác phát triển, gồm nhà nước – thị trường – xã hội. Chỉ khi mở rộng khoảng giao thoa này đủ lớn, những bất trắc, rủi ro mới giảm xuống.
Thứ ba, mở rộng các không gian phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng. Hiện chúng ta vẫn đang tư duy theo hướng chia cắt ra các tỉnh. Để thích ứng với một loạt vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp phải thay đổi, đề ra những chiến lược phát triển chung cho toàn bộ 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Muốn mở rộng không gian phát triển, các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cho đến hợp tác xã và nông dân cần ngồi lại để thấu cảm cho nhau.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, việc mở rộng không gian phát triển sẽ giúp phá vỡ những rào cản lưu thông hàng nông sản từ từ ruộng đồng đến nhà máy chế biến, đến doanh nghiệp; từ nhà máy/doanh nghiệp đến các cảng xuất khẩu. Đồng thời, cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong lưu thông hàng hóa.
Dịch bệnh khiến nông dân và doanh nghiệp chìm trong muôn vàn khó khăn, nhưng đây cũng là thời điểm để nông dân và doanh nghiệp ý thức rõ ràng, về việc không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát.
“Người làm chính sách phải đặt vào vị trí của một ông chủ doanh nghiệp, để thấu hiểu những khó khăn khi hàng hóa bị ùn tắc. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ những biện pháp sản xuất trong tình hình mới như ‘3 tại chỗ’ để giúp địa phương hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Tất cả các bên liên quan chung tay phát triển, tạo ra một hệ sinh thái phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Khải Lê