Yên Phong (Bắc Ninh): Khói bụi, rác thải bủa vây cả làng

Đoàn Bổng (VNN)|22/06/2017 01:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –  Những hôm tiết trời ẩm ướt, khói, bụi không thoát được lại càng nặng mùi. Nhà nào cũng phải đóng cửa kín mít, nhiều nhà phải làm thêm cửa kính để chặn bớt mùi hôi thối.

Những lò tái chế kim loại san sát nhau ở làng Mẫn Xá

Hơn 10 năm nay, làng Mẫn Xá (xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) ngập ngụa trong khói thải từ việc tái chế nhôm, đồng.

Ông Mẫn Văn Tán, trưởng thôn Mẫn Xá cho biết: Quanh năm, ngày nào mọi người cũng phải hít không khí ngột ngạt, khét lẹt cùng với mùi hôi bốc lên từ hàng nghìn tấn tro xỉ. Đặc biệt, những hôm tiết trời ẩm ướt, khói, bụi không thoát được lại càng nặng mùi. Nhà nào cũng phải đóng cửa kín mít, nhiều nhà phải làm thêm cửa kính để chặn bớt mùi hôi thối.

Theo ông Tán, thôn Mẫn Xá có khoảng 900 hộ dân, trong đó có 400 hộ mở cơ sở tái chế nhôm, đồng, liên tục xả ra môi trường khí thải độc hại cùng các loại phế phẩm khác mà không hề qua xử lý. Ô nhiễm nặng nề, người dân ở đây đã quá quen thuộc với những chiếc khẩu trang dày, kính, mũ… để ngày đêm sống chung với khói bụi.

1

Khói bụi, rác thải bủa vây làng Mẫn Xá hơn 10 năm nay

Trưởng trạm y tế xã Văn Môn Nguyễn Văn Duy cho biết, chỉ riêng năm 2016 xã có 40 người chết, khoảng 20 người trong số đó chết vì bệnh ung thư. Năm 2016 có 5 nghìn lượt bệnh nhân đến trạm khám chữa bệnh, thì khoảng 3,5 nghìn lượt có liên quan đến bệnh đường hô hấp, ông Duy thông tin thêm.

Người dân Mẫn Xá đều nhận thấy việc tái chế tràn lan sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tuy nhiên nếu không làm nghề này thì chẳng biết lấy gì để nuôi gia đình.

Anh Quân, chủ một cơ sở đốt lò tái chế thôn Mẫn Xá cho biết: “Nghề này đã nuôi sống mấy thế hệ gia đình tôi, là kế mưu sinh duy nhất, bây giờ nếu bỏ nghề thì biết làm gì. Phải chấp nhận thôi”.

Đi làm thuê tại Mẫn Xá hơn 5 năm nay, anh Nguyễn Thế Văn chia sẻ: “Nghề này tuy độc hại nhưng cho thu nhập khá cao, có tháng tôi thu nhập 25-30 triệu đồng”.

4

Những bao tải chứa tro xỉ ngày một chất cao

Dân mất ruộng vì nghìn tấn tro xỉ

Ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó chủ tịch xã Văn Môn xác nhận, hoạt động tái chế nhôm, đồng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không chỉ riêng khói thải, chính quyền cũng bế tắc trong việc xử lý tro xỉ sau tái chế.

Theo số liệu của UBND xã Văn Môn, mỗi ngày, các cơ sở tái chế ở địa phương thải ra môi trường hơn 3 tấn tro xỉ. Ở cánh đồng cạnh thôn Mẫn Xá, hàng triệu bao bao tải chứa tro xỉ chất đống la liệt dọc bên đường, tràn xuống ruộng, bốc mùi hôi đến nghẹt thở.

3

Ruộng đồng ngập rác thải, nông dân bỏ ruộng làm nghề tái chế nhôm đồng

Bà Nguyễn Thị Vân (trú thôn Mẫn Xá) kể: “Khoảng 5 năm nay gia đình tôi không thể cấy lúa được vì chất thải từ tro xỉ tràn ra ruộng khiến lúa không thể trổ bông. Chúng tôi thử đổi giống lúa, phân bón nhưng vẫn không canh tác nổi”.

Theo nhiều hộ dân, lúa cấy xong vẫn lên xanh tốt nhưng không thể trổ được bông. Trồng xong chỉ để cho trâu bò ăn.

Phó chủ tịch xã Văn Môn cho biết, mặc dù xã đã tuyên truyền để người dân không đổ tro xỉ bừa bãi nhưng họ vẫn lén lút đổ vào ban đêm. Hơn 30% diện tích đất nông nghiệp không thể canh tác được, nguyên nhân chính là do nước từ tro xỉ tràn ra ruộng.  Xã đã xử lý nhiều trường hợp nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Đoàn Bổng (VNN)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Yên Phong (Bắc Ninh): Khói bụi, rác thải bủa vây cả làng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.