Chủ động phòng chống dịch bệnh tôm nuôi

Trương Anh Sáng|29/04/2018 10:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo dự báo, trong năm 2018 nước ta sẽ bị ảnh hưởng từ 12đến 13 cơn bão, xuất hiện mưa trái mùa nhiều, độ mặn và nhiệt độ tăng cao từ cuối tháng 3 đến tháng 5 dương lịch gây bất lợi cho tôm nuôi.Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh gây hại trên tôm nuôi trong thời gian tới là rất cao.

Thường xuyên theo dõi môi trường nước, tình trạng sức khỏe của tôm nuôi để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả

Hiện nay toàn tỉnh Kiên Giang diện tích thả nuôi tôm là 106.288 ha, đạt 86,41% kế hoạch, bằng 100% so cùng kỳ. Theo báo cáo của ngành thú y, đã có 760 dịch đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính tại 21 ấp, 15 xã thuộc 07 huyện, gây thiệt hại trên 150 ha và đang có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân, nhưng đáng lo ngại nhất là lây lan do xả thải mầm bệnh chưa qua xử lý ra môi trường. Tôm bệnh xảy ra tập trung ở vùng U Minh Thượng (nhất là ở 02 huyện: An Biên và An Minh) và một số ít ao nuôi công nghiệp – bán công nghiệp thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo vệ sản xuất, góp phần thực hiện kế hoạch năm 2018 là thả nuôi 123.000 ha, sản lượng 69.000 tấn, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban ngành có liên quan và UBND các cấp tăng cường tổ chức tọa đàm, tập huấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi tôm và phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt chú trọng ở những vùng nuôi tôm trọng điểm, vùng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vùng mới chuyển đổi, tái sản xuất và dành nhiều thời lượng trao đổi cụ thể kỹ thuật với nông dân.

Các cơ quan liên quan cần tăng cường chỉ đạo lực lượng khuyến nông, cán bộ phụ trách nông nghiệp tích cực xuống cơ sở để hỗ trợ người nuôi, phát hiện sớm, xác định nhanh, chính xác dịch bệnh, tổ chức chống dịch khẩn trương, hiệu quả kể cả trong các ngày nghỉ. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào hoạt động các trạm quan trắc môi trường nước tự động đã được phê duyệt; kết hợp thu thập, phân tích thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, giám sát lưu hành mầm bệnh để thông báo, khuyến cáo rộng rãi, kịp thời cho chính quyền địa phương và người dân chủ động ứng phó trong sản xuất.

Duy trì hỗ trợ xét nghiệm bệnh tôm miễn phí, xem xét mở rộng thời gian, lượng mẫu và đối tượng thụ hưởng. Hỗ trợ kịp thời hóa chất chlorine xử lý dứt điểm dịch khi còn ở diện hẹp; thanh toán dứt điểm từng điểm dịch không để phát tán, lây lan.

Ngoài ra, các ban ngành liên quan cần tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành tốt quy hoạch nuôi tôm, thời vụ nuôi, khi phát hiện thủy sản bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, phải báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương, không giấu dịch, xả thải mầm bệnh ra môi trường. Kiên quyết xử lý các trường họp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh, xả thải thủy sản, nước nuôi thủy sản nhiễm bệnh làm lây lan dịch bệnh, theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ, quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Trường hợp có dịch xảy ra phải chủ động áp dụng đồng bộ, khẩn trương các biện pháp và huy động lực lượng đế chống dịch; kiểm soát chặt chẽ khu vực có dịch, bao vây, dập tắt không để dịch lây lan ra diện rộng; hỗ trợ kịp thời theo quy định để khôi phục sản xuất vùng bị dịch bệnh; xem xét chuyển đổi cơ cấu sản xuất nếu nuôi tôm liên tục gặp rủi ro, dịch bệnh, kém hiệu quả.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng chống dịch bệnh tôm nuôi