18 địa phương ô nhiễm không khí nhất cả nước

Theo báo Tiền Phong|01/02/2021 10:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong số 18 tỉnh, thành phố ô nhiễm không khí nhất cả nước có Hà Nội, TPHCM, nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.

Các nhà khoa học của Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO), Trường Đại học Công nghệ – (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa công bố báo cáo “Chất lượng không khí – Tiếp cận đa nguồn trong giám sát bụi PM2,5”. Sử dụng ảnh vệ tinh kết hợp mạng lưới quan trắc mặt đất, các nhà khoa học đã cung cấp hiện trạng chất lượng không khí trên toàn quốc năm 2019. Kết quả sơ bộ cho thấy, 18/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có nồng độ bụi PM2,5 vượt QCVN 05/2013. Trong đó, 14/18 địa phương thuộc miền Bắc, 2 thuộc miền Trung (Hà Tĩnh, Nghệ An), 2 thuộc miền Nam (TPHCM, Bình Dương).

Trong số 18 tỉnh, thành phố nói trên, các địa phương ở Đồng bằng sông Hồng ô nhiễm nhất do tập trung đông dân cư, nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất thép, xi măng, điện. Khu vực này cũng bị ảnh hưởng một phần của điều kiện khí tượng bất lợi vào mùa đông làm cho chất ô nhiễm không khí không khuếch tán được. Top 5 tỉnh, thành phố ô nhiễm nhất được ghi nhận là Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình và Hà Nội.

Ảnh minh họa

Riêng thủ đô Hà Nội, nhóm nghiên cứu tìm hiểu sự phân bố bụi mịn PM2,5 theo từng quận, huyện và nhận thấy có sự chênh lệch khá rõ rệt. Tại các quận, ô nhiễm nhất là Hoàn Kiếm, thấp nhất là Nam Từ Liêm và Tây Hồ. Nồng độ bụi mịn tại khu vực ngoại thành thấp hơn một chút, cho thấy rõ sự ảnh hưởng của mật độ dân cư đến sự phân bố không gian của bụi.

Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu lưu ý, bản đồ nồng độ bụi PM2,5 do nhóm xây dựng có độ bất định thấp ở những khu vực có trạm quan trắc và độ bất định cao ở những khu vực không có hoặc có ít trạm quan trắc. Nhóm nghiên cứu chia sẻ, hiện trạng mạng lưới trạm quan trắc ở Việt Nam còn rất hạn chế, số liệu kiểm kê phát thải cho từng tỉnh còn thiếu chi tiết, thiếu chính xác, thiếu cập nhật. “Đây là những nội dung cần được đầu tư trong tương lai để có thể đưa ra bức tranh toàn cảnh và lý giải hợp lý về ô nhiễm bụi mịn PM2,5 ở Việt Nam”, đại diện nhóm nghiên cứu nhận định.

Bước vào đợt ô nhiễm không khí diện rộng

Hệ thống quan trắc của Sở TN&MT Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí có xu thế xấu đi từ ngày 30/1. Từ chiều qua, 4 điểm đo đã lên ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người), gồm điểm đo Công an phường Hàng Mã, điểm đo Phạm Văn Đồng, điểm đo Cung Thiếu nhi Hà Nội và điểm đo UBND phường Cầu Diễn. Đáng lưu ý, ô nhiễm kéo dài gần như cả ngày, càng về chiều ô nhiễm càng nặng. Bụi mịn kết hợp sương mù khiến Hà Nội ngột ngạt, âm u.

Hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ghi nhận ô nhiễm không khí lên ngưỡng xấu ở TPHCM và Hà Nội. Dự báo, chất lượng không khí Hà Nội sẽ còn ở ngưỡng xấu và rất xấu trong nhiều ngày tới, trong khi chất lượng không khí TPHCM ở ngưỡng kém trong nhiều ngày.

Hệ thống quan trắc của PAM Air với mạng lưới phủ dày cả nước ghi nhận ô nhiễm không khí tại các vùng gồm Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Bắc Trung bộ và TPHCM. Những nơi ô nhiễm nhất là ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ – các địa phương có nhiều nhà máy, khu công nghiệp cũ.

PAM Air ghi nhận ô nhiễm ở Hà Nội phổ biến ngưỡng xấu, rất xấu với một số điểm đo có chỉ số AQI đã vượt 200. Tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Phú Thọ, các điểm đo phổ biến ở ngưỡng từ rất xấu đến nguy hại (nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người). Các chuyên gia nhận định, với điều kiện thời tiết như trên, ô nhiễm không khí có thể kéo dài nhiều ngày tới.

Theo báo Tiền Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
18 địa phương ô nhiễm không khí nhất cả nước