2/3 lượng sông ngòi dài nhất thế giới mất dòng chảy tự do

Lương Nguyễn (Theo nationalgeographic.com)|11/05/2019 08:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nghiên cứu mới đây đã cảnh báo: nhiều lợi ích của các dòng sông như điều tiết dòng nước, lũ bị đe dọa bởi tác động từ các con đập và chuyển hướng dòng chảy.

Điều này có nghĩa là chỉ có 1/3 trong số những con sông dài nhất thế giới còn duy trì dòng chảy tự do, chưa chịu tác động của con người.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo nguyên nhân chuyển hướng dòng chảy của các con sông là do sự xuất hiện của đập thủy điện, dịch vụ hệ sinh thái gây ra. Mẹ thiên nhiên ban tặng cho đời những dòng sông mang lại nguồn lương thực dồi dào đến hàng trăm triệu người, bồi đắp những mảnh đất màu mỡ phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu rủi ro từ bão lũ, hạn hán và cân bằng đa dạng sinh học.

Ông Michele Thieme, Nhà khoa học về Nước ngọt của WWF và đồng tác giả nghiên cứu nói cho biết, đây là lý do đầu tiên lý giải rằng vì sao chúng ta phải bảo vệ những dòng sông trên thế giới. Bởi chúng là nguồn sống cho các loài động vật hoang dã và con người.

Chẳng thế mà các nhà địa lý nguồn nước lại ví lợi ích ủa những con sông như mạch máu sống của hành tinh.

Sông càng dài càng làm tăng nguy cơ bị mất dòng chảy tự do

Dịch chuyển dòng chảy do sự xuất hiện của các con đập

Nghiên cứu mới nhất về thực trạng dòng chảy của các con sông do 34 nhà khoa học đến từ Đại học McGill, WWF cùng các tổ chức nghiên cứu khác vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 9/5 cho thấy, trong số 246 con sông dài nhất trên thế giới chỉ còn 37% trong số này duy trì dòng chảy tự nhiên.

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên kết quả đánh giá thực trạng của các con sông trên thế giới với tổng chiều dài là 12 triệu km. Đây là đánh giá đầu tiên về vị trí và phạm vi các con sông còn dòng chảy tự do.

Các nhà nghiên cứu cho biết, các con sông càng dài dòng chảy càng dễ bị cản trở. Nếu có đến 97% các con sông ngắn còn dòng chảy tự nhiên thì lại có rất rất ít các con sông dài nhất trên thế giới ở Hoa Kỳ, Tây Âu còn duy trì được dòng chảy tự do.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tác nhân chính gây nên tình trạng này là do các đập thủy điện và hồ chứa. Ngoài ra còn các tác động khác như khai thác nguồn nước, các bẫy trầm tích cũng làm ảnh hưởng đến dòng chảy của các con sông lớn trên thế giới. Hiện có đến 60 000 con đập lớn trên thế giới trong đó có 3 700 đập nằm trong kế hoạch hoặc  đang triển khai xây dựng ảnh hưởng đến dòng chảy của các con sông lớn.

Ông Perry chia sẻ, hầu hết các con sông lớn trên thế giới còn duy trì dòng chảy tự nhiên thuộc các khu vực hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, nơi tiềm năng thủy điện chưa được khai thác. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì mọi thứ cũng thay đổi.  Riêng lưu vực sông ở Nam Mỹ đang có kế hoạch xây dựng 500 đập thủy điện, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái toàn khu vực.

Điểm nóng xây dựng đập thủy điện là khu vực Đông Nam Á, trong đó Lào đang có kế hoạch xây hơn 50 đập dọc sông Mê kông.

Zeb Hogan, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng, chính điều này làm cản trở dòng Mê Kông, mất đi vai trò cân bằng đa dạng sinh học, tác động đến sự sống của các loài hoang dã và cuộc sống của người dân nơi đây.

Dịch chuyển dòng chảy làm suy giảm nguồn lợi thủy sản

Nhiều đề xuất luôn chỉ ra rằng thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sẽ có lợi cho công cuộc chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với những người hoạt động trong lĩnh vực thủy sản lại không đồng tình với quan điểm này

Herman Wanningen, nhà sinh thái học, Giám đốc sáng tạo thuộc tổ chức Di cư Cá Thế giới, Hà Lan cho rằng: Khi một đập thủy điện được xây lên sẽ biến dòng sông đó thành hồ chứa nước tù đọng, mất đi môi sinh vốn có và lấy đi môi trường sống của các loài thủy sản.

Các con đập chính là mối đe dọa của những loài cá di cư. Một ví dụ điển hình là trước đây, các con sông như Columbia, miền Tây Hoa kỳ là nơi ẩn náu của những con cá hồi lớn nhất thế giới  đã dần biến mất khi đập thủy điện xuất hiện.

Lương Nguyễn (Theo nationalgeographic.com)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
2/3 lượng sông ngòi dài nhất thế giới mất dòng chảy tự do