30% diện tích canh tác toàn cầu có nguy cơ cao bị ô nhiễm thuốc trừ sâu

Ngọc Mai|01/04/2021 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience số ra ngày 29/3, lạm dụng thuốc trừ sâu không chỉ khiến đất, nguồn nước và cả hệ sinh thái chung bị ảnh hưởng sau hàng chục năm nữa.

Các nhà khoa học ở Australia vừa cho kiểm tra cách thức sử dụng gần 100 loại hóa chất trong nông nghiệp trên 168 quốc gia, để xác định hàm lượng thuốc trừ sâu nào vượt quá mức khuyến cáo. Kết quả khiến nhiều người gây sốc, bởi chỉ khoảng 64% diện tích đất nông nghiệp có hàm lượng hóa chất trừ sâu trong mức cho phép. Một phần ba còn lại cao hoặc vượt mức tiêu chuẩn nhiều lần.

Bên cạnh tỷ lệ báo động, nồng độ thuốc trừ sâu ở khu vực một phần ba này cũng rất cao, có nơi lên đến hơn 1.000 lần so với ngưỡng an toàn dành cho con người. Con số này bao gồm cả 60% đất nông nghiệp châu Âu, vốn thường được xử lý bằng hóa chất diệt cỏ, diệt nấm và diệt côn trùng ở mức độ nguy hiểm.

Nghiên cứu này được các nhà khoa học tại Đại học Sydney phát triển dựa trên một mô hình ước tính nguy cơ ô nhiễm môi trường do 92 hợp chất hóa học gây ra, bao gồm 59 chất diệt cỏ, 21 chất diệt côn trùng và 19 chất diệt nấm. Số liệu được ghi lại trong bảng Khảo sát địa chất mới nhất của Mỹ và dữ liệu từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc.

Thuốc trừ sâu đã được sử dụng nhiều hơn 1.000 lần so với những gì được coi là vô hại

Tác giả hàng đầu của nghiên cứu, bà Fiona Tang của khoa kỹ sư dân dụng thuộc Đại học Sydney nhấn mạnh: “Nghiên cứu này rất quan trọng do ô nhiễm có thể lan rộng và một số khu vực có nguy cơ cao bị đe dọa đa dạng sinh học và khan hiếm nước”.

Cũng trong nghiên cứu này, châu Á là nơi có quỹ đất chịu nguy cơ cao nhất, với tổng diện tích lên đến 5 triệu ha. Trung Quốc chiếm hơn một nửa số này, và đa phần nằm ở các vùng đồng bằng màu mỡ, hoặc sản xuất nông nghiệp chủ lực của nước này.

Nga, Ukraine và Tây Ban Nha, những nước được xem là cái nôi nông nghiệp của châu Âu, xếp kế sau. Bà Tang nhận xét: “Tình trạng ô nhiễm ngày một tăng nhanh và có thể xảy ra trên diện rộng”.

Ngoài ô nhiễm đất, báo cáo của Đại học Sydney còn cảnh báo nguy cơ tổn hại đến đa dạng sinh học và khan hiếm nước ở những quốc gia như Nam Phi, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Argentina. Điểm chung của những nước này là đều có lưu vực của sông lớn. Nguồn ô nhiễm có thể lan xuống mạch nước, gây ảnh hưởng đến nhiều yếu tố môi trường và cuộc sống con người.

Đầu năm 2021, theo một báo cáo tháng trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường Mỹ, thuốc trừ sâu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường sau khi ngừng sử dụng một thời gian dài. Các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ thậm chí tìm thấy dư lượng thuốc diệt cỏ và thuốc diệt nấm trong đất tại các trang trại sử dụng chất hữu cơ cách đây hơn 20 năm.

Trong báo cáo Triển vọng Môi trường Toàn cầu công bố năm 2019, Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước giảm sử dụng thuốc trừ sâu, cho rằng sản xuất lương thực không những là nguyên nhân chính làm mất đa dạng sinh học, mà còn gây ô nhiễm không khí, nước sạch, nước biển, nhất là khi hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào phân bón và thuốc trừ sâu sử dụng hóa chất.

Ngọc Mai

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
30% diện tích canh tác toàn cầu có nguy cơ cao bị ô nhiễm thuốc trừ sâu