Chương trình nhằm cảnh cáo về lượng rác thải đang không thể tiêu hủy hết
Khách tham quan ngỡ ngàng khi thấy khu vực trần nhà với đủ loại loại rác thải quen thuộc trong đời sống hàng ngày được treo lơ lửng trên đầu với ý nghĩa “cảm giác bí bách, ngộp thở và con người đang dần chìm trong rác thải”.
Triển lãm được tổ chức bởi UBND TP Hà Nội, vùng Ile-de-France và PRX-Vietnam với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Pháp – AFD.
Triển lãm xả rác ít thôi
Nhiều thông tin tại triển lãm khiến lần đầu mọi người mới hiểu được tác hại của rác thải nhựa: Phần lớn rác thải sinh hoạt của con người được làm từ nhựa và nylon, loại vật liệu tốn từ hàng trăm đến hàng triệu năm mới có thể phân hủy được trong đất. Thời gian phân hủy của hộp xốp là 50 năm. Chúng sẽ phân hủy thành các hạt vi nhựa và gây ô nhiễm các môi trường nước (nước ngọt và nước biển). Hơn nữa hộp xốp không phải lúc nào cũng thích hợp để đựng đồ ăn. Styrene, một phần tử trong thành phần hộp xốp là một chất bị nghi ngờ có thể gây ung thư và là chất độc thần kinh. Nó có khả năng lây sang thực phẩm và đồ uống được đựng trong hộp.
Hơn nữa, rác thải nhựa còn gây nguy hiểm cho động vật trên Trái Đất khi chúng lầm tưởng rác là thức ăn. Việc sản xuất các lọ dầu gội sữa tắm của các doanh nghiệp kéo theo nhu cầu sử dụng rất nhiều năng lượng và nguyên liệu trong khi thời gian sử dụng sản phẩm rất ngắn, còn các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta không phải là vô tận.
“Khi bị thải ra môi trường tự nhiên, một chiếc chai nhựa phải mất 100 – 1000 năm mới phân hủy được. Ngoài ra quá trình sản xuất chai nhựa gây phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tiêu tốn các nguồn năng lượng hóa thạch không thể tái tạo và sử dụng nhiều nước. Bạn có biết để sản xuất được một chai nhựa có dung tích 1 lít người ta phải dùng đến 3 lít nước hay không?”, một thông điệp và câu hỏi được đề tại triển lãm.
Phương Thảo (17 tuổi) cho biết: “Em cũng từng làm một triển lãm về rác thải nhựa như thế này. Em đánh giá rất cao cách sắp đặt treo những mô hình rác của BTC. Cũng vì hưởng ứng phong trào đẩy lùi rác thải nhựa mà em đã mua một chiếc ly thủy tinh để hạn chế rác từ cốc nhựa mỗi khi đi uống café”.
Thông qua triển lãm mới thấy không chỉ rác khi thải ra, những đồ dùng, vật dụng trong bếp của mỗi gia đình cũng đáng lưu ý. Việc sử dụng các hộp như trưng bày không phải là không có nguy hiểm. Trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm, các chất gây ô nhiễm có thể nhiễm vào thực phẩm, trong số đó có một số hợp chất phtalates được sử dụng để làm mềm nhựa, hoặc bisphenol A. Cả hai đều là chất gây rối loạn nội tiết.
Bên cạnh những mô hình rác thải, triển lãm “Xả rác ít thôi” còn cung cấp những tấm infographic giúp công chúng hiểu hơn về hiện trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Chẳng hạn như thông điệp về lượng rác thải trung bình của một gia đình 4 người tại Hà Nội là 3,48 kg.
Tại đây, triển lãm cũng cho thấy con số thống kê mỗi gia đình Việt Nam thải ra một ngày từ 5 đến 7 chiếc túi nylon. Tính trong phạm vi cả nước mỗi ngày có 25 triệu túi nylon được thải ra gây rất nhiều hậu quả cho môi trường.
Và minh chứng rõ nét nhất là chiếc xe của công nhân quét rác từ năm 2010 đến năm 2050 sẽ chất cao như núi, gấp 4-5 lần sau 40 năm. Năm 2010 người dân Hà Nội thải rác ra là 5.000 tấn/ngày, đến năm 2050 dự kiến con số sẽ lên tới 15.900 tấn/ngày.
Minh Huyền (T/h)