1. Định nghĩa biến đổi khí hậu không phải do người Trung Quốc phát minh ra
(Moitruong.net.vn) – Biến đổi khí hậu toàn cầu là một trong những chủ đề mà không ít người đề cập và bàn luận. Bên cạnh những số liệu nghiên cứu, quan điểm, chúng ta sẽ luôn thắc mắc, rằng thực sự con người đang nghĩ gì về hiện tượng này. Dưới đây là 6 sự nhầm lẫn tai hại có thể bạn từng mắc phải.
>>>Thủ đô Azerbaijan: Trong cùng một ngày núi lửa phun, nước lũ tràn
Theophrastus đã bắt đầu để ý đến những hậu quả có thể xảy đến khi con người tàn phá tự nhiên
Thực ra khái niệm biến đổi khí hậu là do người Hi Lạp tiên đoán ra. Theo nghiên cứu từ Viện Vật Lý Hoa Kỳ, Theophrastus, một người học trò thân cận của Aristotle đã bắt đầu để ý đến những hậu quả có thể xảy đến khi con người tàn phá tự nhiên và còn phát hiện ra một sự thật rằng khi những vùng đầm lầy trở nên cạn nước thì nó cũng khiến cho những vùng đất lân cận dễ rơi vào tình trạng băng hóa.
Điều này khiến ông băn khoăn không biết có diễn ra ở những địa điểm tương tự khác hay không. Ông tiên đoán rằng việc phá rừng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiệt độ không khí tăng cao, và đó là một giả thuyết có căn cứ. Phá rừng không những làm thay đổi mật độ mây che bao phủ của 1 khu vực, khiến lượng mưa giảm sút mà còn đẩy mức nhiệt trung bình thêm cao hơn.
Điều duy nhất mà có lẽ Theophrastus không thể dự đoán được là việc những tác hại kể trên có thể nhân rộng lên quy mô toàn cầu, dẫn tới hiện tượng biến đổi khí hậu mà loài người chúng ta đang phải hứng chịu sau 2000 năm.
2. Khoa học nghiên cứu về biến đổi khí hậu đã có từ trước khi Al Gore xuất hiện
Al Gore là người có những hoạt động không biết mệt mỏi tới cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngành khoa học nghiên cứu về biến đổi khí hậu đã có lịch sử trên dưới 150 năm phát triển
Al Gore là một người có ảnh hưởng sâu rộng tới cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Từng được vinh dự nhận giải Nobel Hòa Bình vì những đóng góp cho khoa học, và ông càng trở nên nổi tiếng nhờ công chiếu bộ phim thứ 2 về biến đổi khí hậu của mình, lấy tựa đề: “An Inconvenient Sequel: Truth to Power”.
Những gì mà chúng ta đang được học về hiện tượng biến đổi khí hậu đều diễn ra trong khoảng thời gian vài chục năm trở lại đây, cùng thời điểm với những hoạt động không biết mệt mỏi của Al Gore. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngành khoa học biến đổi khí hậu là một ngành khoa học mới hoàn toàn. Thực chất, nó đã có lịch sử trên dưới 150 năm.
Theo NASA, người đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng một số loại khí có khả năng hấp thụ nhiệt lượng chính là John Tyndall – nhà phát minh sáng chế ra bình dưỡng khí dành cho lính cứu hỏa. Tydall đã nghiên cứu và chỉ ra hơi nước, khí cacbonic và tầng ôzôn chính là những nhân tố có khả năng hấp thụ nhiệt lượng, điều này dẫn đến một giả thuyết khác là việc không khí nóng bị giữ lại xung quanh bầu khí quyển khiến con người ngày càng cảm thấy thời tiết ngày một oi bức hơn.
3. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh là thời điểm thích hợp để nghiên cứu về biến đổi khí hậu
Công tác nghiên cứu về vùng biển Bắc Cực lần đầu tiên được thực hiện bởi quân đội Mỹ
Trừ khi bạn may mắn đến độ có thể sống sót trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và dành một nửa tuổi thơ của mình chỉ để núp dưới gầm bàn mỗi khi có tiếng còi báo hiệu tấn công hạt nhân sắp diễn ra, thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm rằng, đó mới đúng là thời điểm thích hợp để nghiên cứu về biến đổi khí hậu.
Theo kênh truyền hình Climate News Network, công tác nghiên cứu về vùng biển Bắc Cực lần đầu tiên được thực hiện không phải để tìm hiểu về mực nước biển dâng cao hay sự an nguy của loài gấu trắng, mà đơn giản là hoạt động quân sự của quân đội Mỹ. Họ muốn tìm hiểu xem việc khí hậu thay đổi sẽ ảnh hưởng thế nào tới tốc độ của tên lửa tầm cao và liệu tiếng ồn phát ra từ những tảng băng bị tan chảy có gây gián đoạn hoạt động tình báo của tàu ngầm hay không.
Đến cuối thập niên 1930, nhà khoa học G.S. Callendar đã đưa ra quan điểm cho rằng chính hoạt động của con người là nguyên nhân dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu. Ban đầu không ai tin điều đó là sự thật, và phải mất tới hơn chục năm sau, khi quân đội buộc phải bỏ ra hàng đống tiền, chỉ để tìm hiểu xem liệu biến đổi khí hậu có gây tác động gì tới hoạt động tác chiến bằng tên lửa và tàu ngầm biển hay không.
4. Các nhà khoa học nghĩ rằng biến đổi khí hậu là một hiện tượng hết sức “thú vị”
Một khi còn chưa lường được hết những tác hại của biến đổi khí hậu đối với môi trường sống, con người ta sẽ vẫn giữ một thái độ bàng quan như những gì ta đang thấy hiện nay
Thời kì đầu, các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu hoàn toàn là điều có thể chấp nhận được. Theo tờ Guardian, vào năm 1938, G.S. Callendar đã viết lời kết như sau cho cuốn sách của mình, lấy tựa đề là: “Sự phát thải nhân tạo khí cacbonic và ảnh hưởng của nó tới nhiệt độ toàn cầu”. Ông cho rằng: “Có thể nói, sự tổng hợp khí tự nhiên, cho dù xuất phát từ trên mặt đất hay 10,000 feet [khoảng 3.048 mét] dưới lòng đất đi chăng nữa, đều sẽ có ích cho nhân loại, theo một vài khía cạnh nào đó”. Thậm chí, ông này còn dự đoán thêm, rằng mùa màng “sẽ trở nên bội thu hơn” và thời kỳ Băng Hà sẽ bị đẩy lùi một cách đáng kể, miễn là con người vẫn còn tiếp tục phát thải khí cacbonic ra ngoài môi trường.
Có lẽ không phải lúc nào các nhà khoa học cũng đúng.
5. “Cùng lắm thì biến đổi khí hậu chỉ diễn ra sau khoảng vài nghìn năm nữa”
Truyền thuyết về “sự biến đổi khí hậu chậm chạp” chỉ chấm dứt vào thời điểm giữa những năm 1960
Có một vài nhà khoa học từng nghĩ rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề của tương lai xa xôi. Họ tỏ ra thản nhiên, không nghĩ rằng chúng có thể xuất hiện ngay từ lúc này. Cùng lắm thì đến lúc biến đổi khí hậu thực sự xảy ra, loài người đã trở nên hiện đại đến mức chỉ cần mặc những bộ quần áo kiểu phi hành gia và được cung cấp thức ăn tự động từ những chiếc siêu máy tính bơm dưỡng chất mà thôi.
Giữa những năm 1960, nhà cổ sinh vật học người Đan Mạch có tên Willi Dansgaard bắt đầu nghiên cứu về các mẫu vật băng tuyết và các dạng hóa thạch khác nằm dưới lớp đất đá của hòn đảo Greenland. Lúc này, Dansgaard và cộng sự hoảng hốt nhận ra rằng, biến đổi khí hậu không những sẽ chắc chắn diễn ra vào thiên niên kỷ kế tiếp, mà thực chất nó đã xuất hiện từ vài chục năm trước, và thậm chí là trong những năm tiếp theo.
Phát hiện lớn này của tiến sĩ Dansgaard đã khiến các chính trị gia ngay lập tức ngồi lại thảo luận với nhau, từ đó dẫn tới những hội nghị chuyên ngành lớn về biến đổi khí hậu như chúng ta thường thấy hiện nay.
6. Học thuyết “Trái Đất đang rơi vào thời kỳ Băng Hà mới”
Theo trang Daily Kos, thực chất tin đồn này xuất phát từ những người chuyên thích phản bác lại các nghiên cứu khoa học
Vào đầu những năm 70, truyền thông lan truyền 1 tin đồn thất thiệt, rằng thế giới không phải đang nóng lên, mà theo chiều ngược lại – tức là kỷ nguyên Băng Hà đang dần trở lại! Theo trang Daily Kos, thực chất tin đồn này xuất phát từ những người chuyên thích phản bác lại các nghiên cứu khoa học. Họ luôn gạt đi mọi thành quả có được từ các bài báo nghiên cứu cũng những phát hiện khoa học mới.
Năm 1972, cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, James Schlesinger, đã trích dẫn 1 câu nói từ bản báo cáo của Ủy Ban Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ để phản bác lại quan điểm cho rằng Trái Đất đang ngày càng nóng lên: “Dựa trên những ghi chép còn sót lại về thời kỳ Băng Hà, hiện tượng nóng lên toàn cầu như hiện nay sẽ đến hồi chấm dứt, nhường chỗ cho một kỷ nguyên Băng Hà mới…”
Điều mà không ai ngờ là, ông bộ trưởng này đã quên không trích dẫn nốt phần còn lại của bản báo cáo: “…Tuy nhiên, nhiều khả năng là con người đã trót tác động quá nhiều tới môi trường, tới mức độ mà khí hậu toàn cầu trong những năm tới sẽ đi theo một chiều hướng hoàn toàn khác biệt so với trước đây”.
Chính cách diễn đạt cẩu thả này của Schlesinger đã tạo tiền đề cho học thuyết “kỷ Băng Hà mới” càng có cơ hội lan rộng hơn, khiến cho nhiều người cảm thấy sợ hãi trước cảnh tượng mọi thứ sẽ bị phủ đầy dưới băng tuyết, mà đáng ra phải là chiều ngược lại mới đúng – rằng băng tuyết sẽ ngày càng bị tan chảy hơn, đẩy mực nước biển dâng cao, đe dọa tới sự sống còn của nhân loại.
Theo Trí thức trẻ